Ông Nguyễn Tử Quảng không ngại so sánh SP của mình với iPhone.
Một người Việt kể với anh bạn người Nhật chuyện mấy hôm nay xôn xao việc ông Nguyễn Tử Quảng cho ra "siêu phẩm" điện thoại thông minh mang tên Bphone. Rằng là ông Quảng đã ấp ủ dự án này dài hơi thế nào, tâm huyết ra sao, rồi cả chuyện ông ấy "nổ" tung trời bằng những "đại mỹ từ" dành cho sản phẩm (SP) con cưng của mình với những cái nhất.
Bất ngờ, vị khách Nhật hỏi: "Thế anh đã mua Bphone chưa? Anh sẽ mua chứ? Anh phải bảo thêm những người Việt mà anh quen mua đi, nếu không ông Nguyễn Tử Quảng sẽ nguy".
Anh người Việt này có phần chưng hửng. Có lẽ khi anh kể câu chuyện này, anh đoán người bạn Nhật sẽ hùa theo mình với tinh thần "ném đá" ông Quảng"nổ". Nhưng không. Dù vị người Nhật chưa biết "mặt mũi", chất lượng Bphone ra sao, nhưng trước mắt đã thể hiện quan điểm rõ ràng: ưu tiên ủng hộ SP của đồng bào mình tạo ra cái đã, những chuyện khác tính sau.
Có thể, khi đặt tên SP là Bphone, nhà sản xuất đã ngầm "đua" với iPhone. Khi giới thiệu SP trong ngày ra mắt, CEO Nguyễn Tử Quảng không ngại so sánh SP của mình với iPhone, về mặt tâm lý thông thường, người tiêu dùng Việt vẫn nghĩ iPhone của Apple là đỉnh thế giới. Người khai sinh ra iPhone - CEO Steve Jobs được cả thế giới thừa nhận là thiên tài, là "người thay đổi thế giới".
Nhưng, cha đẻ của "quả táo cắn dở vẫn tránh cách nói "SP của tôi nhất nhì thế giới" như cách mà ông Quảng nói. Chiến dịch PR rầm rộ quá mức của Bphone khiến nhiều người có cảm giác nhà sản xuất nói quá về SP của mình. Từ đó, chiến dịch PR của Bphone tuy quá đạt về mặt đưa thông tin đến số đông người tiêu dùng, nhưng lại khiến người tiêu dùng hoang mang với chất lượng SP. Vì không dễ để tin rằng người Việt có thể sản xuất một SP nào đạt đỉnh thế giới, nhất là SP công nghệ cao.
Người tiêu dùng có quyền băn khoăn khi tiếp cận Bphone bởi những thông điệp quá cường điệu của nhà sản xuất. Họ cũng có quyền đánh giá ông Nguyễn Tử Quảng "non" trong việc chọn từ ngữ để nói về SP. Tất nhiên, ông Quảng và cộng sự sẽ phải nhận hậu quả từ sự thiếu khôn ngoan đó.
Khi người Việt sản xuất SP công nghệ cao đã là đáng hoan nghênh, người Việt còn "dám" sản xuất điện thoại thông minh để cạnh tranh ở phân khúc tầm cao với hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới là Apple và Samsung lại càng đáng hoan nghênh hơn nữa. Khi đất nước khó khăn, có những ê kíp dũng cảm dấn sâu vào cái khó, lẽ ra, là người Việt với nhau, mọi người phải ủng hộ về mặt tinh thần trước, rồi tùy chất lượng mà góp ý thêm để SP hoàn thiện, hoặc để nhà sản xuất đầu tư SP mới, ấy mới hợp lẽ.
Cách đây chưa lâu, người Việt đã tỏ ra thán phục, khen ngợi khi người Campuchia sản xuất được ôtô. Nhưng đến khi người Việt sản xuất được điện thoại thông minh cao cấp, chỉ vì nhà sản xuất PR chưa khéo mà rất nhiều người quay sang chê bai, "ném đá" tơi bời.
Từ khi có điện thoại di động xuất hiện trên đời, hầu hết người dân Hàn Quốc đều chọn điện thoại Hàn Quốc để dùng, kể cả khi họ đang định cư ở nước ngoài. Hơn một lần tôi chứng kiến người Hàn Quốc say sưa nói về chiếc điện thoại Samsung họ đang dùng, như thể họ chỉ chực có ai hỏi để nói.
Những lần ấy, dù không phải là người Hàn Quốc, tôi vẫn cảm thấy xúc động khi được chứng kiến một người khác bày tỏ lòng tự hào dân tộc. Tất nhiên, để xây dựng được tinh thần sử dụng hàng nội, người Hàn Quốc đã có một quá trình rất dài để hun đúc. Ở VN, việc "người VN ưu tiên dùng hàng VN" từ lâu cũng đã được cổ vũ. Nhưng, đến khi chứng kiến số đông người comment chê bai, chế giễu, "ném đá" nặng tay trên mạng xã hội đối với nhà sản xuất Bphone, tôi cảm thấy rất buồn và biết tinh thần ưu tiên dùng hàng nội vẫn còn là giấc mơ quá dài.
Với tôi, yêu nước trước hết là ủng hộ, nâng đỡ "người cùng một nước" từ những chuyện nhỏ nhất - sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, ủng hộ người Việt dám dấn thân tạo ra SP mới.
Nhìn biểu tượng chú bươm bướm với đôi cánh mỏng manh trên Bphone, bất giác, tôi sợ "chú bướm" sẽ khó bay cao, bay xa khi có quá nhiều người "ném đá". Là một người Việt, tôi rất mong Bphone thành công, không bị biến thành "Byephone" như nhiều người ác miệng dự đoán.
Theo PNVN