Hệ thống định vị vệ tinh vô cùng phổ biến ngày nay. Nhiều quốc gia phát triển các hệ thống riêng, mang đến lựa chọn khá phong phú. Trên thế giới, GPS của Mỹ và GLONASS của Nga là hai hệ thống định vị toàn cầu nổi tiếng nhất.
Ngoài ra, còn có hệ thống định vụ vệ tinh theo khu vực gồm Bắc Đẩu của Trung Quốc, IRNSS của Ấn Độ và QZSS của Nhật Bản. Bphone, mẫu smartphone thương hiệu Việt mới ra mắt, đang sử dụng công nghệ định vị GPS, GLONASS và Bắc Đẩu. So với GPS và GLONASS, Bắc Đẩu gia nhập cuộc chơi định vị muộn hơn và đang trong quá trình hoàn thiện.
Bắc Đẩu là nỗ lực của Trung Quốc trong quá trình cắt giảm sự lệ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc phê duyệt phát triển Bắc Đẩu từ năm 2006. Cho đến nay, đã có 2 hệ thống Bắc Đẩu ra đời là hệ thống thử nghiệm định vị vệ tinh Bắc Đẩu 1 (gồm 3 vệ tinh) và Bắc Đẩu 2 hay COMPASS (gồm 35 vệ tinh, đang trong quá trình tạo dựng). Nó bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc từ tháng 12/2011 với 10 vệ tinh và cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 12/2012. Dự kiến, Bắc Đẩu hoạt động trên toàn cầu vào năm 2020.
Trước thời điểm tháng 12/2011, Bắc Đẩu chỉ được dùng bởi quân đội và các cơ quan nhà nước. Trung Quốc hy vọng khi mở rộng ra toàn thế giới, Bắc Đẩu sẽ mang về doanh thu hơn 60 tỷ USD/năm.
Theo trang RT, một người nhận tín hiệu của Bắc Đẩu có thể xác định vị trí chính xác của họ trong phạm vi 10m, tốt hơn GPS (mức độ chính xác trong phạm vi 20m). Dù vậy, cũng như GPS, Bắc Đẩu có hai chế độ: dân sự và quân sự. Quân đội Trung Quốc sẽ có thống kê chính xác hơn nhưng không rõ là bao nhiêu. Còn theo trang China Military, trong hội nghị COMPASS Application tổ chức tại Trung Quốc năm 2014, các chuyên gia tham dự đều đánh giá Bắc Đẩu có giá trị hơn GPS ở một số khía cạnh.
Wu Guanghui, kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống Bắc Đẩu, phát biểu: “Nhiều chuyên gia đánh giá Bắc Đẩu trong một vài lĩnh vực, đặc biệt là cơ cấu, số lượng vệ tinh, yếu tố hình học và cấu hình, tốt hơn”. Còn theo ông Li Donghang, Giám đốc trung tâm Tư vấn của GNSS và Hiệp hội LBS Trung Quốc, ứng dụng Bắc Đẩu tại Trung Quốc chắc chắn tốt hơn GPS, vì vệ tinh có cơ cấu khác biệt. Trong khi vệ tinh của GPS Mỹ lang thang khắp Trung Quốc, Bắc Đẩu lại có 5 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh và 5 vệ tinh phi địa tĩnh, luôn hoạt động trên khu vực Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương, còn các vệ tinh khác bao phủ Nam Á và Nam bán cầu.
Trong tương lai, chính phủ dự định xây dựng hàng ngàn trạm khác nhau và có thể cung cấp định vị chính xác trong phạm vi từng centimet. Hôm 31/3, Trung Quốc đã phóng vệ tinh định vị thứ 17 lên không gian từ trung tâm đặt tại Tứ Xuyên. Sự kiện đánh dấu giai đoạn đầu trong việc mở rộng hệ thống Bắc Đẩu từ khu vực ra toàn cầu. Vệ tinh Bắc Đẩu đầu tiên được phóng năm 2000. Từ đó đến nay, hệ thống dần được đưa vào sử dụng trong các lĩnh vực như vận tải, dự báo thời tiết, đánh bắt cá, lâm nghiệp và viễn thông.
Tháng 12/2014, Bắc Đẩu được Ủy ban An toàn Hàng hải công nhận, chính thức đưa hệ thống vào đường dẫn vô tuyến toàn cầu. Nó trở thành hệ thống thứ ba sau GPS và GLONASS được các cơ quan của Liên Hợp quốc công nhận. Dù vậy, các nhà phân tích nhận định Bắc Đẩu chưa phải hệ thống hoàn thiện và khó cạnh tranh được với GPS trên phạm vi toàn cầu. Theo New York Times, GPS vẫn chiếm 95% thị trường định vị Trung Quốc.
Tháng 10/2014, Tổng cục Đo đạc, Lập bản đồ và Thông tin địa lý Trung Quốc cho biết sẽ hợp tác với một số nước như Mexico, Israel, Thụy Điển để củng cố Bắc Đẩu và cơ sở dữ liệu thông tin địa lý. Họ cũng bắt tay với Singapore, Malaysia và vài nước Đông Nam Á khác để quảng bá hệ thống. Hệ thống Bắc Đẩu được cài đặt trong hơn 200 mẫu xe hơi và chip có mặt trong 40 triệu smartphone.