Ra mắt đầu tiên vào ngày 6-7 tại Australia, New Zealand, Mỹ và có mặt tại Việt Nam gần 1 tháng sau đó, Pokemon Go nhanh chóng tạo nên cơn sốt ở những nơi mà tựa game này phát hành. Nhưng cũng giống như trò chơi có nhiều sức hút khác, Pokemon Go xuất hiện nhiều người chơi gian lận để có các tài khoản với Pokemon mạnh, nhiều vật phẩm quý hiếm mà những người chơi bình thường phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới có.
Theo tiết lộ của một người chuyên "cày" các tài khoản "khủng" để bán, Việt Nam là một trong những địa điểm mới phát hành trò chơi nên chưa thể có những Pokemon chỉ số sức mạnh (CP) cao, Pokemon hiếm… Vì thế người chơi thường sử dụng các phần mềm giả mạo GPS (fake GPS) để di chuyển đến những địa điểm có nhiều Pokemon trên thế giới để bắt trong khi chỉ ngồi một chỗ.
Một phần mềm bot được sử dụng để bắt Pokemon và tìm kiếm vật phẩm mà không cần chơi game. |
"Fake GPS chỉ là cách phổ thông, bởi có nhiều người còn 'cày' tài khoản bằng phần mềm bot. Đây là phần mềm cho phép máy tính tự làm các công việc như tìm địa điểm nhiều Pokemon, tự tìm đến PokeStop lấy vật phẩm… Chỉ cần lên mạng, bạn đã có thể tải chúng về", người này cho biết.
Tuy nhiên, từ cuối tuần trước, trên các diễn đàn, hội nhóm Facebook, bắt đầu có khá nhiều người phàn nàn tài khoản của mình bị khóa mà không rõ nguyên do. Thông báo được đưa ra là: "Failed to get game data from the server" (Không thể lấy dữ liệu trò chơi từ máy chủ).
Theo anh Nguyễn Quân, quản trị của một nhóm Pokemon Go trên Facebook, vài ngày gần đây, tần suất người chơi than phiền bị khóa tài khoản ngày một tăng. "Những tài khoản bị khóa đều có đặc điểm chung là level cao, từ 30 đến 35, sở hữu Pokemon có chỉ số sức mạnh trên 3.000. Nhà phát hành nghi ngờ đây là các tài khoản gian lận, bởi Pokemon Go mới ra mắt tại Việt Nam chưa đến nửa tháng và nếu như chơi theo thông thường, không thể có được level cao như vậy", anh Quân nhận định.
Một tài khoản bị khóa do gian lận. |
Theo anh Quân, mọi người nên chơi game lành mạnh, không nên quá coi trọng tài khoản mạnh hay yếu, bởi mục đích của game là giải trí. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm hack không chỉ gây mất cân bằng game, mà còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus, mã độc trên máy tính, điện thoại...
Trước đây, khi mới mở máy chủ, nhà phát hành Niantic Labs có động thái "thả" cho game thủ bằng cách cấm tạm thời (softban) khoảng 2 giờ đối với các trường hợp gian lận. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu mạnh tay hơn khi cấm vĩnh viễn để bảo vệ người chơi chân chính.
Trên trang hỏi đáp, Niantic cho biết: "Tài khoản bị chấm dứt vĩnh viễn nếu có các hành vi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Pokemon Go. Điều này bao gồm: làm sai lệch vị trí đang đứng, sử dụng phần mềm hỗ trợ giả lập, hack, cheat từ bên thứ ba… Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp một môi trường trải nghiệm công bằng, vui vẻ và hợp pháp cho tất cả mọi người, cũng như liên tục cải tiến về tính năng, chất lượng của Pokemon Go. Do đó, mọi hành vi gian lận đều bị loại bỏ".
Theo NLĐ