Với nhiều người, ký ức về lỗi “error 53” vẫn là một điều ám ảnh. Apple từng công khai xin lỗi người dùng hồi đầu 2016 khi những chiếc iPhone 6, 6 Plus bị biến thành cục gạch khi người dùng sửa chữa nút Home của máy bên ngoài đại lý ủy quyền của Apple.
Đến nay, người dùng tại Australia quyết định đâm đơn kiện Apple vì từ chối khắc phục lỗi này khi họ sửa chữa máy ở bên thứ 3 – ngay cả khi linh kiện sửa chữa không liên quan gì đến lỗi error 53, chẳng hạn thay màn hình bị vỡ.
Apple bị người dùng kiện tại Australia. Ảnh: Mashable. |
Hôm thứ 5 (6/4), Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh (ACCC) công bố bắt đầu xử lý đơn kiện Apple gửi đến tòa án liên bang vì lỗi “sai phạm, hiểu nhầm và không đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng”.
Lỗi error 53 xảy ra khi người dùng cố gắng cập nhật phần mềm iPhone của họ lên phiên bản mới nhất. Lúc này, phần mềm trên máy sẽ tự động kiểm tra cảm biến Touch ID. Nếu nó phát hiện cảm biến này không phù hợp với nhóm phần cứng còn lại – có thể đơn vị sửa chữa bên ngoài đã sửa hoặc thay thế nó – iPhone sẽ bị vô hiệu hóa.
Apple chia sẻ với Mashable hồi tháng 2/2016 rằng lỗi error 53 là một thử nghiệm bảo mật thất bại. Mục đích của họ là để kiểm tra chắc chắn xem Touch ID có hoạt động tốt không trước khi xuất xưởng. Hãng sau đó đã phát hành bản cập nhật để sửa lỗi.
Theo Dimi Loannou từ hãng luật Maurice Blackburn, người dùng hoàn toàn có quyền tìm kiếm những địa chỉ sửa máy rẻ nhất do sản phẩm Apple có giá không hề mềm. Cũng theo vị này, nhà sản xuất không được phép áp dụng cơ chế độc quyền cho linh kiện sửa chữa sản phẩm.
Theo Zing