Lúc này, ngoài đối thủ truyền kiếp Samsung, Apple còn phải đối mặt với một nỗi sợ hãi khác đến từ Trung Quốc - BBK Electronics, hay cụ thể hơn, là nhà sáng lập Duan Yongping.
Đầu tháng 2, hãng thống kê IDC công bố những cái tên đang đứng đầu thị trường Trung Quốc gồm Oppo (thị phần 18,1%), Huawei (16,9%), Vivo (16%), Apple (14,9%) và Xiaomi (10,1%). Táo khuyết có những kỷ lục bán hàng ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới, nhưng ở Trung Quốc chỉ đứng thứ 4. Trừ Huawei, hai cái tên xếp trên Apple là Oppo và Vivo đều thuộc sở hữu của BBK Electronics.
Công ty đằng sau những thương hiệu dẫn đầu Trung Quốc. Ảnh: BBK. |
Duan Yongping không bị so sánh với Bill Gates của Microsoft, nhưng luôn được ví như một Warren Buffett của phương Đông. Trong bài phỏng vấn mới đây với Bloomberg, sáng lập của BBK đã tiết lộ cách đánh bại Apple, đó là làm những điều mà Apple không thể làm ở Trung Quốc.
Nhưng theo ZDNet, từng đó "bật mí" là chưa đủ. Oppo và Vivo thường xuyên trang bị tính năng mới và bán ra với mức giá rẻ đã giết chết lợi thế của Xiaomi. Chính sách giá linh hoạt ở các cửa hàng nhỏ lẻ cũng giúp hai tên tuổi này lấn lướt Apple - vốn là công ty toàn cầu, khó có phản ứng nhanh với những thị trường đặc thù như Trung Quốc, Ấn Độ.
BBK Electronics ra đời tháng 9/1995, trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ban đầu, công ty chỉ sản xuất những máy chơi game "nhái" Nintendo, nhưng sau hơn 20 năm phát triển, hãng đã tạo dựng được cơ ngơi rộng lớn với cơ sở sản xuất rộng hơn 10 ha cùng 17.000 nhân viên đang làm việc.
BBK hiện sở hữu Oppo, Vivo, OnePlus và thương hiệu điện thoại di động Imoo dành cho trẻ em. Cộng tất cả, công ty này sở hữu 39% thị phần điện thoại tại Trung Quốc.
Top 5 thị phần và doanh số smartphone tại Trung Quốc. Apple chỉ đứng ở vị trí thứ 4. |
Oppo được thành lập vào năm 2004 bởi Duan Yongping và giám đốc điều hành của Oppo, Tony Chen. Oppo đã bán đầu DVD và Blu-ray cao cấp (vốn rất được ưa chuộng ở Âu Mỹ) trước khi bước vào thị trường điện thoại thông minh. Năm 2010, công ty bắt đầu mở rộng sang các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia trước khi thành lập ở Ấn Độ. Sau đó vào thị trường Mỹ tháng 2/2013.
Vivo được thành lập năm 2009 cũng bởi Duan và Giám đốc điều hành của Vivo, Shen Wei. Thương hiệu này bước vào thị trường điện thoại thông minh vào năm 2011 với những sản phẩm dáng mỏng, nghe nhạc chất lượng cao. Smartphone Vivo sử dụng một phiên bản dành riêng cho Android mang tên Funtouch OS. Giống như Oppo, Vivo nhanh chóng vươn mình sang các nước láng giềng.
OnePlus được thành lập vào năm 2013 bởi phó chủ tịch Oppo, Pete Lau và đồng sáng lập Carl Pei. Công ty này là "con" của Oppo nhưng chỉ bán hàng qua kênh trực tuyến. OnePlus nổi tiếng với những model có cấu hình cực mạnh nhưng giá thấp. Lợi thế này cho phép OnePlus xâm nhập vào thị trường Mỹ và Châu Âu, nơi thương hiệu Trung Quốc thường khó bán với giá cao. OnePlus ban đầu sử dụng CyanogenMod, sau đó thay thế nó bằng Hệ điều hành Oxy phát triển trên Android.
Imoo không phải là công ty mới mẻ, nhưng là thương hiệu mới của BBK Electronics. Sản phẩm của công ty này là những chiếc điện thoại dùng để theo dõi trẻ em, và smartphone nhằm vào thị trường giáo dục, sử dụng một phiên bản chỉnh sửa của Android gọi là StudyOS nhằm đưa ra môi trường học tập trên smartphone tốt cho trẻ em.
Cơ cấu những công ty con của BBK, kẻ đang lấn lươt Apple và Samsung ở thị trường đông dân nhất thế giới. Đồ hoạ: Duy Tín. |
Tuy nhiên, nét "độc đáo" của BBK không phải ở chỗ sở hữu nhiều thương hiệu mạnh, mà là để những công ty con này tự do cạnh tranh với nhau. Người ta dễ dàng chứng kiến những màn so kè của Oppo, Vivo tại các chuỗi bán lẻ, hay thậm chí thấy những sự tương đồng về ngoại hình và thông số giữa chiếc Oppo Find 7 và OnePlus One.
Mang tiếng "đánh bại" Apple dựa trên những con số của IDC, nhưng BBK, hay cụ thể hơn là Oppo, Vivo chưa chắc nằm ở ngôi đầu nếu tính cả thị trường xám. Trung Quốc vẫn được cho là thiên đường của iPhone cũ, tái chế, bán sang tay. Những con số về iPhone "ngoài luồng" này không hề có mặt trong các bảng thống kê của các hãng phân tích.
Theo Zing