Khai tử phím Home: Samsung đang định hướng thị trường di động?

Thứ bảy, 08/04/2017, 19:47
Quyết định loại bỏ phím Home mang đến nhiều thách thức cho Samsung nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường di động.

Từ Galaxy S đời đầu, nút Home luôn hiện diện trên điện thoại đầu bảng của Samsung, trở thành ngôn ngữ thiết kế chủ đạo của công ty và tạo dấu ấn thương hiệu đậm nét. Galaxy S5 còn nâng tầm vai trò phím bấm này khi tích hợp công nghệ nhận diện vân tay và là tính năng quan trọng cho nền tảng bảo mật Knox.

Samsung bỏ phím Home vật lý có làm thay đổi cục diện thị trường?

Tuy nhiên, Galaxy S8 lại loại bỏ đi điểm nhấn quen thuộc của dòng sản phẩm Samsung bằng thiết kế vô cực với màn hình bao gần trọn viền cạnh máy. Đó là quyết định táo bạo, tạo hiệu ứng tuyệt vời thu hút sự quan tâm của người dùng. Galaxy S8 trở nên nổi bật giữa "rừng" smartphone truyền thống khác.

Ưu và nhược của nút Home cũ

Phím Home truyền thống mang đến cho Samsung một số lợi thế mà có thể khiến không ít người lưỡng lự có nên nâng cấp lên Galaxy S8 hay không. Đầu tiên, vị trí đặt cảm biến vân tay mới gây ra chút bất tiện cho người dùng.

Thiết kế cũ tiện cho thao tác bấm, chạm nhẹ nhàng bằng một tay. Xóa bỏ nút Home vật lý đồng nghĩa công ty phải bố trí lại mọi thứ. Đáng tiếc Samsung chưa kịp tìm ra giải pháp tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình.

Bố trí cảm biến vân tay cạnh máy ảnh khiến người dùng khó sử dụng hơn.

Các nhà sản xuất khác lại chọn vị trí ở giữa mặt sau, nhưng gã khổng lồ Hàn Quốc lại chuyển mô-đun sang bên cạnh máy ảnh tiện cho người thuận tay phải nhưng gây khó cho ai quen dùng tay trái. Thậm chí Samsung cũng nhận thấy quyết định của mình không thực sự tối ưu nên mới thêm phần nhắc nhở trong ứng dụng camera là tránh để tay che ống kính máy ảnh.

Phím Home vật lý cho phép Samsung tối ưu hóa không gian màn hình thay vì phải nhường chỗ cho phím điều hướng ảo.

Không gian hiển thị chính là yếu tố cạnh tranh mà Samsung cần cân nhắc kỹ trước các đối thủ như LG, Sony và cả Pixel của Google. Tuy nhiên, tỷ lệ khung hình 18,5:9 phần nào giải quyết vấn đề vì màn hình dài hơn đủ hiển thị ứng dụng mà không quá quan trọng phím điều hướng.

Thay vì giữ nguyên thiết kế của Nougat, Samsung sử dụng icon phím Back, Home và khởi chạy ứng dụng riêng phù hợp với phong cách chung của Touchwiz UI.

LG G6 và Galaxy S8 đặt cạnh nhau.

Nút Home đi kèm viền cạnh dưới lớn hơn trong khi nhu cầu người dùng ngày càng muốn màn hình lớn, điện thoại mỏng và ít viền. Khi ra mắt Galaxy S8, Samsung tiết lộ thiết bị cầm tay 5,5 inch đã tăng từ 8 % lên 18% toàn thị trường trong khoảng thời gian 2014 đến 2016. Công ty rõ ràng coi việc loại bỏ phím Home là bước đi quan trọng. Khá ấn tượng khi S8 màn hình 5,8 inch (148.9 x 68.1 x 8 mm) lại trông nhỏ hơn Note 7 (153.5 x 73.9 x 7.9 mm) 5,7 inch.

Các hãng khác sẽ làm theo?

Với việc thị trường đón nhận tích cực thiết kế mới của Xiaomi Mi Mix, LG G6 và giờ đây là Galaxy S8, xu hướng màn hình viền mỏng sẽ phát triển trong tương lai. Các nhà sản xuất khác sẽ sớm bắt tay vào kế hoạch thay đổi và Samsung xứng đáng trở thành người lĩnh xướng.

Nhiều nhà sản xuất sẽ xem Samsung là tiêu chuẩn để hướng tới.

Dù không thể sao chép công nghệ màn hình cong AMOLED của gã khổng lồ Hàn Quốc nhưng các OEMs sẽ lấy cảm hứng từ Galaxy S8. Thậm chí, giao diện mới của Samsung cũng có thể trở thành xu hướng mới để tạo khác biệt giữa thị trường Android.

Thoạt nhìn, việc loại bỏ phím Home chỉ đơn giản thay đổi lối thiết kế truyền thống. Nhưng đó lại là bước đi đột phá tạo tính thẩm mỹ cao cho Galaxy S8. Dù sau này khi nhiều cái tên khác cũng làm vậy thì khả năng nhận diện thương hiệu sẽ khó hơn, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, cả làng công nghệ đang ngưỡng mộ Samsung như người tiên phong cho phong cách thiết kế mới.

Theo Zing

Các tin cũ hơn