Thị trường di động Việt Nam đang khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Cách đây vài năm, không ai nghĩ sản phẩm đến từ các tên tuổi như LG, HTC sẽ biến mất khỏi các kệ hàng. Tuy nhiên, thực tế này đang diễn ra.
Không chỉ 2 ông lớn này, một số tên tuổi mới nổi như Asus, Obi Worldphone hay Coolpad cũng chịu tình trạng tương tự. Đây là các hãng di động mới gây dựng được tên tuổi trong vài năm qua.
Thông tin từ nhà bán lẻ FPT Shop cho thấy họ đã dừng bán các sản phẩm của HTC, Asus trong khoảng nửa năm qua, với sản phẩm LG là gần một năm.
Đại diện CellphoneS cũng xác nhận thông tin dừng bán sản phẩm từ các thương hiệu này. “Chúng tôi dừng bán sản phẩm LG đã hơn một năm nay vì hãng gần như không còn sản phẩm nào gây chú ý với người mua. Các hoạt động marketing và kinh doanh của hãng cũng gần như không có. Sản phẩm HTC cũng dừng bán khoảng một năm, trước khi chạy đặt hàng trở lại cho mẫu U11 gần đây”, đại diện nhà bán lẻ này cho hay.
Smartphone từ một số thương hiệu tên tuổi đã biến mất khỏi các kệ hàng thời gian gần đây. Ảnh: Thành Duy. |
Quả thật, câu chuyện kinh doanh smartphone của LG tại Việt Nam hiện không thực sự rõ ràng. Từ năm ngoái, nhân sự ở mảng di động của hãng xảy ra biến động lớn. Smartphone cao cấp khi đó là LG G5 không được đưa về nước. Hãng cũng không ra mắt sản phẩm nào thực sự đáng chú ý trên thị trường.
Đầu năm nay, bộ đôi LG G5 SE và V20 bất ngờ được bán trở lại nhưng không do LG Việt Nam làm đầu mối cung cấp sản phẩm. Hiện tại, màn ra mắt của LG G6 tại thị trường vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, HTC đang trong quá trình tái cơ cấu dải sản phẩm. Ông Nguyễn Hồng Châu – Giám đốc HTC Việt Nam – cho biết hãng sẽ không bán sản phẩm một cách đại trà mà tập trung vào nhóm di động cao cấp và cận cao cấp, dành cho những tín đồ thực sự. Thị phần không phải tiêu chí của HTC.
Asus, trong khi đó, hơn một năm nay không nâng cấp phiên bản mới, cũng không giảm giá sản phẩm Zenfone 3 khiến người ta nghi ngờ về việc hãng từ bỏ ngành hàng sản phẩm di động.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện Asus Việt Nam khẳng định sẽ phát triển sản phẩm dài hạn và đẩy mạnh tất cả các phân khúc. Nhà sản xuất này thừa nhận sự khốc liệt của thị trường và sự vươn lên mạnh mẽ của một số thương hiệu smartphone Trung Quốc.
“Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một số hãng đang có những chiến lược kinh doanh và tiếp thị thông minh, hiệu quả, phù hợp với người tiêu dùng.Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi và áp dụng những cách tiếp cận marketing mới để giới thiệu các đặc tính công nghệ độc đáo của sản phẩm đến người tiêu dùng”, đại diện Asus nói.
Lý giải về quyết định dừng bán sản phẩm từ các thương hiệu nói trên, ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng giám đốc FPT Shop cho biết nhà bán lẻ sẽ tạm ngừng kinh doanh khi một số nhãn hàng hay sản phẩm không đạt được tiêu chí để tiếp tục kinh doanh.
“Khi các thương hiệu này đáp ứng được trở lại các tiêu chí, FPT Shop sẽ tiếp tục hợp tác kinh doanh với các nhãn hiệu này”.
Điều này đồng nghĩa việc một số dòng smartphone biến mất chỉ là hiện tượng tạm thời. Tuy nhiên, để quay lại, nắm giữ vị trí quan trọng trên thị trường là không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Apple, Samsung, Oppo đang là những thương hiệu có chỗ đứng vững chắc nhất trên thị trường. |
Theo các nhà bán lẻ, khi một số thương hiệu lớn có dấu hiệu sa sút, thị trường cũng nổi lên một số tên tuổi đủ sức thay thế. Cụ thể, Huawei, Vivo đang là những ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ngôi sao mới nổi trên thị trường.
Đây đều là những nhà sản xuất có tiềm lực tài chính lớn, không tiếc tiền marketing. Họ cũng là những tên tuổi nằm trong top 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Tất nhiên, 3 vị trí trang trọng nhất tại các kệ hàng bán lẻ hiện nay thuộc về Apple, Samsung và Oppo, trong đó, Samsung và Oppo là 2 tên tuổi có thị phần lớn nhất, lần lượt mức 3x và 2x% thị phần. Sản phẩm Apple, trong khi đó, chiếm giữ vị trí đặc biệt nhờ độ phủ thương hiệu và mức độ tăng trưởng 3 con số mỗi năm ở Việt Nam.
Nhận định về bức tranh thị trường trong tương lai, ông Nguyễn Lac Huy, đại diện CellphoneS tin rằng nhiều thương hiệu có thể sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường. “Thị trường sẽ chứng kiến một số tên tuổi mới vươn lên, một số khác bị loại bỏ. Cuối cùng sẽ chỉ còn khoảng 4-5 tên tuổi được xem là có số có má thống lĩnh thị trường di động Việt Nam”, ông này nhận định.
Đây là quan điểm nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia công nghệ. Một số khác tỏ ra ít lạc quan hơn khi tin rằng số lượng ông lớn trên thị trường có thể chỉ dừng ở ở số 3.
Theo Zing