Khi nhu cầu sử dụng điện thoại "trên từng cây số", len lỏi mọi ngóc ngách trong cuộc sống, chúng ta lại càng quan tâm đến vấn đề pin mỗi khi chọn mua. Với nhiều người, lượng mAh càng lớn sẽ càng quan trọng, tuy nhiên nó chỉ chiếm 1 trong 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến trải nghiệm về pin trên smartphone. 2 yếu tố còn lại nằm ở việc sử dụng điện năng hiệu quả (liên quan rất lớn đến phần nền mà nhà sản xuất phát triển có ổn định và tiết kiệm điện năng hay không) và khả năng sạc nhanh.
Công nghệ sạc nhanh không phải là mới có gần đây, chúng ta đã từng thấy các hãng smartphone khác phát triển và áp dụng như Oppo hay Huawei chẳng hạn. Oppo đã đạt mức công suất sạc 50W ở Super VOOC, còn Huawei thì SuperCharge lên đến 40W ở chiếc P30 Pro.
Công nghệ sạc nhanh đòi hỏi cần có sự tinh chỉnh bên trong củ sạc lẫn sợi cáp, đó là lý do vì sao bạn sẽ thấy kích thước của chúng sẽ to hơn loại 10W thông thường. Thậm chí, công nghệ sạc như của Oppo còn khác biệt ở chỗ chia pin bên trong máy thành 2 cell khác nhau, từ đó có thể đẩy nhanh tốc độ sạc hơn.
Samsung có một thời gian dài bị các đối thủ khác trên thị trường bỏ rơi khi nhiều năm liền giữ nguyên mức sạc 15W, sử dụng công nghệ Quick Charge 2.0 của Qualcomm. Nếu ở thời điểm cách đây hơn 6 tháng, có thể chúng ta sẽ khó hình dung được một ngày Samsung đã quyết định có bước nhảy vọt, ra đời sản phẩm hỗ trợ công suất sạc lên đến 45W. Galaxy S10 bản 5G từng khiến nhiều người dùng thích thú khi xuất hiện khả năng sạc 25W và giờ đây là Galaxy Note10+ với 45W.
Tuy nhiên, cần phải nói rõ, dù Note10+ hỗ trợ mức sạc cao như vậy nhưng Samsung không hề bán kèm theo củ sạc này mà đây được xem là phụ kiện mua riêng với mức giá 990.000 đồng. Về cơ bản, củ sạc kèm theo cũng có công suất cao hơn bất kỳ sản phẩm Samsung nào trước đây (trừ S10 5G) với 25W, nhưng bất kỳ khách hàng Galaxy Note10+ nào muốn trải nghiệm tốc độ sạc nhanh hơn nữa thì cần bỏ ra gần 1 triệu đồng. Vậy với mức giá này, liệu có đáng để chúng ta bỏ ra trải nghiệm? Hãy cùng chúng tôi làm bài so sánh nhanh dưới đây.
Đây là hộp đựng sản phẩm củ sạc 45W chính hãng của Samsung, với kích thước đóng gói ngang ngửa 1 hộp vòng đeo thông minh Galaxy Fit. |
Trọn bộ bao gồm củ sạc 45W cùng sợi dây cáp hai đầu Type-C. So với củ sạc theo máy 25W, củ 45W này to và nặng hơn hẳn. |
Sợi dây cáp cho củ 45W cũng dày hơn. |
Đầu cáp này có ghi 5A, trong khi đó cáp theo máy không ghi gì. |
Lý giải cho độ dày của sợi cáp này, bên trong nó phải tích hợp chip e-mark, vốn là thứ cần phải có trên những sợi cáp có khả năng hỗ trợ cường độ dòng lên tới hơn 4A, hoặc trên các sợi cáp Thunderbolt 3.
Quay trở về củ sạc 45W này, điểm khác biệt của nó so với 25W là các thông số đầu ra, kèm theo đó là cả việc sử dụng công nghệ PPS (được ghi trên củ sạc này). Vậy PPS là gì? PPS là viết tắt của cụm từ Programable Power Supply và đây là một nhánh của công nghệ Power Delivery (PD). Cơ bản công nghệ này sẽ liên tục kiểm soát/điều chỉnh hiệu điện thế và cường độ dòng điện mặc định của USB-PD, vốn thường là 5V/3A hoặc 9V/2A.
Theo thông số trên củ sạc này, PPS sẽ có những mức tính toán và điều chỉnh như 3.3-11V/4.05A, 3.3-16V/2.8A, 3.3-21V/2.1A |
Với PPS, công nghệ này sẽ tăng Volt và giảm Ampe dần cho đến khi điện thoại đạt được lượng pin 100%. Với cách thức này, lượng nhiệt sản sinh trong quá trình sạc sẽ được giảm thiểu, nhờ đó năng lượng bị thất thoát cũng được hạn chế hơn và đồng nghĩa với việc hiệu suất sạc tăng lên đáng kể.
Tiến hành sạc thử, người viết đã dùng hai chiếc Galaxy Note10+ và cho cạn sạch pin trước khi cắm sạc. Xuyên suốt những bức ảnh ghi nhận dưới đây, bên trái sẽ là chiếc Note10+ cắm 45W và bên phải là 25W.
17h13: người viết bắt đầu cắm sạc và nhanh chóng chỉ vài giây là chiếc điện thoại có sạc 45W đã được kích pin lên, hiển thị 1% pin. Trong khi đó, Note10+ sử dụng sạc 25W mãi đến gần 10 giây sau mới bắt đầu 1%. |
Chỉ trong vòng 10 phút sau, sạc 45W đã mang đến 28% pin cho Note, còn 25W là 24%. |
Nếu như ở 10% đầu tiên 45W thể hiện sự đẩy pin vào nhanh chóng thì sau đó khoảng cách này càng lúc càng giảm. Xuyên suốt thời gian sau độ chênh lệch chỉ tính bằng 4-5%. Ảnh này được chụp vào lúc 17h33, tức 20 phút sau khi bắt đầu cắm sạc. |
Sau 50% pin, người viết quyết định khởi động máy để xem có sự khác biệt nào không. Như các bạn có thể thấy, máy cắm 45W đạt 57%, dự báo 40 phút nữa sẽ đầy, còn 25W thì 53% và 46 phút sau đầy. Ảnh chụp vào lúc 17h36. |
17h42: cả hai đều chạm 60%, tuy nhiên Note10+ cắm 45W lại báo 39 phút nữa đầy, trong khi 25W là 42 phút??? |
Và chỉ 3 phút sau, Note10+ cắm 25W đã vượt cả 45W trong cuộc đua này (về số % pin), tuy nhiên dự báo sạc đầy vẫn chậm hơn 45W. Khả năng đây là con số % bị ảo chăng? Hoặc cũng có thể sau khi đẩy nhanh nguồn điện vào ban đầu, sạc 45W điều chỉnh lại dòng để giảm bớt lượng nhiệt ở viên pin để tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ pin sau này? |
Cuộc đua còn những % pin cuối cùng khi 45W còn 4% và báo 10 phút là đầy, 25W còn 8% với 18 phút là đầy. Có thể thấy ở đoạn nước rút này, 45W lại vươn lên để đưa Note10+ về full pin nhanh hơn. |
Và cuối cùng, sau 71 phút, 45W đã giúp Galaxy Note10+ full pin, vượt củ sạc 25W theo máy 10 phút. |
Như vậy, củ sạc 45W cho tốc độ sạc nhanh hơn so với 25W là lẽ dĩ nhiên nhưng với khoảng cách 10 phút thì thật sự không phải là khác biệt quá lớn. Khác biệt nhiều nhất có thể thấy được là ở những % đầu tiên và 45W cho thấy sự hữu dụng tối đa của mình. Đặt trường hợp đêm qua bạn ngủ mà quên cắm sạc, sáng dậy thấy điện thoại cạn pin mà lại chuẩn bị đến công ty gấp thì 45W này hoàn toàn có lợi.
Còn nếu chúng ta để máy treo sạc trong 1 giờ thì rõ ràng sự khác biệt cũng không phải là quá lớn. Một điểm khác cần lưu ý là thời gian về đích và % lượng pin của cả 2 hoàn toàn khó hiểu ở giai đoạn 60-80%, rất có thể đây là số ảo cũng như phần mềm chưa được tối ưu hoàn toàn và cần có bản update mới hơn. Nếu đây là dự đoán đúng thì hy vọng bản cập nhật sau của Samsung sẽ giúp Note10+ kết hợp hoàn hảo với sạc 45W hơn nữa.
Theo GenK