Điện thoại, máy tính, xe hơi hay thậm chí cả một hệ thống vũ khí có khả năng tự phục hồi vết nứt sẽ không còn là chuyện chỉ có trong phim viễn tưởng.
Tại hội nghị thường niên về hóa học American Chemistry Society diễn ra hôm thứ 2 vừa qua, giáo sư Marek Urban thuộc đại học Nam Mississippi đã trình diễn một vật liệu mới với nhiều tiềm năng ứng dụng. Khi bị xước hoặc nứt gãy, loại nhựa đặc biệt này sẽ tự tái tạo để sửa chữa mà không để lại bất kì dấu hiệu tổn hại nào. Theo một số nhà khoa học, vật liệu mới do Marek Urban phát triển được xem là "Thành tựu của ngành khoa học vật liệu."
Việc nghiên cứu và phát triển một loại vật liệu với đặc tính tự phục hồi đã được khởi xướng từ lâu. Mô-tuýp chung là vật liệu sẽ được đính kèm các viên nén siêu nhỏ và khi vết nứt xuất hiện, viên nén sẽ giải phóng các hợp chất giúp hàn gắn vết nứt, điển hình như công nghệ của Liquidmetal mà Apple đã được cấp giấy phép sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp của Urban giúp sửa chữa các kết nối bị phá vỡ trong vật liệu nhờ vào tác nhân kích thích từ bên ngoài, cụ thể là ánh sáng mặt trời. Urban giải thích: "Vật liệu nhựa mới của chúng tôi mô phỏng một hiện tượng tự nhiên. Khi bị tổn hại, khu vực tổn hại sẽ chuyển sang màu đỏ và nó sẽ tự làm mới khi được phơi dưới ánh sáng thấy được, khi có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc độ pH."
Giáo sư Urban cho biết da người chính là ý tưởng của vật liệu trên. Nghiên cứu được tài trợ một phần bởi bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Ngoài các ứng dụng thương mại như điện thoại hay vỏ xe tự sửa chữa, bộ quốc phòng Hoa Kỳ còn hướng đến phát triển các hệ thống vũ khí tự phục hồi trong các trận chiến, đơn giản chỉ với việc đem "phơi nắng".