Trước thực trạng hoạt động rửa tiền qua các tổ chức tài chính, ngân hàng đang diễn ra tinh vi mang quy mô quốc tế, các ngân hàng tại Việt Nam đang “đau đầu” tìm kiếm, nghiên cứu ứng dụng những giải pháp phát hiện chống rửa tiền tự động để chặn đứng các hoạt động này.
Tại Hội thảo về công tác chống rửa tiền do Tổng cục Hải quan Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) vừa tổ chức cuối tháng 3/2012, các chuyên gia nhận định, khi những trung tâm tiền tệ hàng đầu thế giới đang “mạnh tay” chống lại hoạt động rửa tiền, thì tội phạm đang chuyển hoạt động mạnh sang các nước mới nổi, đang phát triển như Việt Nam.
Và đứng trước thực trạng này, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang phải “đau đầu” ứng dụng những giải pháp, hệ thống tự động để “nâng” được năng lực phòng chống rửa tiền thông qua ứng dụng giải pháp phần mềm nhằm phát hiện dấu hiệu của giao dịch đáng ngờ (như thông tin khách hàng cung cấp không nhất quán, sai lệch, các giao dịch tiền mặt, mua bán hoặc gửi tiền không phù hợp với hoạt động kinh doanh…).
“Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã phát hiện nhiều trường hợp nghi ngờ rửa tiền trong giao dịch liên quan đến rút lượng lớn tiền mặt, dùng hộ chiếu giả để mở tài khoản, chuyển phát nhanh tiền mặt”, đại diện ngân hàng Vietinbank cho hay.
Trao đổi về việc ứng dụng giải pháp phần mềm để phòng chống rửa tiền, từ kinh nghiệm triển khai thành công giải pháp phòng chống rửa tiền AMLExpress GTOne của Hàn Quốc cho ngân hàng Sacombank, đại diện Tập đoàn HiPT lưu ý việc ứng dụng giải pháp tự động như vậy, các ngân hàng có thể “nhẹ gánh” hơn nhiều với hoạt động phòng chống rửa tiền.
Cụ thể hơn, các dữ liệu từ giao dịch trong hệ thống tài chính như tiết kiệm, tiền gửi, chuyển đổi ngoại tệ, thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng, bảo hiểm đều được giải pháp lưu vào trung tâm dữ liệu và bộ lọc danh sách. Từ đó, chức năng cảnh báo thông tin của giải pháp giúp hệ thống trích xuất các giao dịch đáng ngờ, đưa ra cảnh báo để tìm hiểu danh sách giao dịch đáng ngờ (chức năng quản lý báo cáo được xây dựng dựa trên Nghị định Phòng chống rửa tiền số 74 của Chính phủ đối với các tổ chức tài chính tại Việt Nam - PV).
Trao đổi thêm tại hội thảo, các chuyên gia đến từ UNODC cũng như một số ngân hàng trong nước đều cho rằng một vấn đề phức tạp là đặc thù giao dịch tài chính tại Việt Nam chủ yếu thông qua tiền mặt trao tay, còn giao dịch qua hệ thống ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, do đó, đây chính là “mảnh đất” cho tội phạm rửa tiền hoạt động.
“Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng tăng”, ông Chritt Batt, chuyên gia chống rửa tiền của UNODC nhấn mạnh tại hội thảo.
Chính vì thế, việc nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cũng như ứng dụng các giải pháp phần mềm tiên tiến tự động cho các lực lượng chuyên trách chống rửa tiền như hải quan, ngân hàng… để đối phó với các hoạt động rửa tiền tinh vi đến từ tội phạm xuyên quốc gia đang được xem là vấn đề cấp bách hiện nay.