10 "độc chiêu" giúp Nokia lấy lại vinh quang

Thứ bảy, 21/04/2012, 00:45
Nokia đang ngập trong khó khăn. Bán mình cho Microsoft hay sa thải CEO Stephen Elop là một trong những cách hãng có thể làm để sống sót.

>>Kiệt sức chỉ vì smartphone, tablet
>>6 đột phá di động mang tên Nokia 

Gần đây Nokia đã tuyên bố cuộc cạnh tranh di động khắc nghiệt đang khiến kết quả kinh doanh của Nokia sa sút trong quý đầu tiên của năm. Không chỉ sa sút mà đó là kết quả kinh doanh tệ nhất từ trước đến nay của đại gia Phần Lan. Nokia đã lỗ 1,2 tỷ USD và các cổ đông thực sự bị sốc, lo lắng bán tống cổ phiếu của công ty.


Có lẽ chưa đến mức khiến Nokia phải giương cờ trắng trước Apple hay Google Android, song rõ ràng hãng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Theo eWeek, sau đây là 10 cách giúp Nokia gỡ rối.

1. “Bán quách” cho Microsoft

Điều đầu tiên Nokia nên xem xét là “bán mình” cho Microsoft. Đại gia phần mềm đang tìm kiếm một nhà sản xuất và còn gì tốt hơn là Nokia? Hơn nữa, Nokia có một số bản quyền giá trị mà Microsoft có thể đang thèm khát. Với cách làm này, hoặc Nokia về dưới trướng Microsoft hoặc đối mặt với khả năng phải đóng cửa.

2. Sa thải CEO Stephen Elop

Mặc dù Nokia đã đưa Stephen Elop lên làm CEO với hy vọng ông sẽ thay đổi nền văn hoá tập đoàn và đưa mọi thứ đi lên, song rõ ràng cho đến nay ông vẫn chưa làm được điều đó. Vì thế, ban quản trị nên sa thải Elop và tìm kiếm một người thay thế khác có những ý tưởng đột phá hơn. Ở cách làm này, có thể đó là điều duy nhất có thể cứu Nokia.

3. Tập trung vào các thị trường quốc tế

Đến khi nào Nokia mới thừa nhận rằng họ không thể chiến thắng trên thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu, để tập trung nỗ lực vào các thị trường quốc tế mới nổi? Những thị trường này sẽ mua các thiết bị Symbian và các sản phẩm giá rẻ khác của Nokia. Cách làm này có thể là chiến lược giúp công ty có cơ hội phục hồi.

4. Lưu ý chuyện giá cả

Mặc dù dòng máy Lumia của Nokia chưa thành công lắm, song có một điều quan trọng mà Lumia 900 đã làm được, đó là mang lại những tính năng chất lượng cao với một mức giá 99 USD. Có thể đã đến lúc Nokia cần xem xét mối quan hệ giá cả-giá trị trong suy nghĩ của khách hàng. Không cân bằng mối quan hệ trên, Nokia sẽ không thành công. Lumia 900 chỉ là một bước đệm mà Nokia nên dùng cho tất cả những sản phẩm tương lai của hãng.

5. Bắt đầu sa thải nhân viên đi thôi

Khi nhìn vào cơ cấu tập đoàn của Nokia, thật khó mà không cảm thấy hoa mắt chóng mặt. Công ty đã trở nên to lớn, khổng lồ, với hơn 134.000 nhân viên trên toàn cầu. Đã đến lúc Nokia cần giảm nhân lực và trở nên nhanh nhẹn, gọn nhẹ hơn. Làm như vậy, Nokia có thể sẽ giảm được thua lỗ và trở nên đáng đầu tư hơn.

6. Chỉ bán sản phẩm không đối đầu iPhone

Nói về điểm giá cả và giá trị, có lẽ Nokia nên xem xét trở thành một nhà sản xuất chỉ bán ra những thiết bị có mức giá dễ mua, đặc biệt với những khách hàng không cần thiết phải gắng sức dốc tiền mua iPhone. Cách làm này sẽ phát huy tác dụng cùng với chiến lược tập trung vào các thị trường quốc tế, và có thể giúp hãng tăng cao thị phần dù chậm nhưng chắc.

7. Tập trung hơn nữa vào phần mềm

Nokia dường như đã quên mất sức mạnh của phần mềm trong sản phẩm. Cách làm này có thể không hoàn toàn giúp hãng cạnh tranh được với các đối thủ mạnh như Apple, Google hiện nay, song có lẽ Nokia nên đầu tư nhiều hơn vào phần mềm và cố gắng tìm ra những lối đi riêng mà các nền tảng mạnh như iOS và Android chưa có.

8. Bán hoặc cấp phép các bản quyền

Nếu Nokia muốn hành động, thì đó phải là nâng cao danh mục bản quyền của hãng. Từ các công nghệ di động đến các ý tưởng thiết kế, công ty đã có một số lượng bản quyền mà một số hãng khác, như Apple, Microsoft và thậm chỉ cả RIM sẽ rất muốn mua. Sớm hay muộn rồi Nokia cũng nên xem xét bán hoặc cấp phép những bản quyền này.

9. Tiên phong trong những mảng chưa ai làm

Nếu smartphone là ưu tiên đầu tiên của Nokia, công ty nên ghi điểm ở những mảng đột phá khác. Chẳng hạn, Nokia đã có bước đi thông minh khi cạnh tranh với Apple và tạo ra một tiêu chuẩn mới đối với loại thẻ Nano-SIM. Điều cần nhấn mạnh ở đây là Nokia nên tìm ra những lĩnh vực cho phép hãng trở thành người đi đầu, đóng vai trò chủ lực trong các tiêu chuẩn di động.

10. “Nói ít thôi”

Nokia cần im lặng. Hãng không nên nói với thế giới về những khó khăn đang gặp phải và nên giữ im lặng, đặc biệt với kết quả tài chính hiện nay. Bởi tất cả những điều này chỉ khiến khách hàng thêm hoài nghi về việc liệu có nên mua sản phẩm của Nokia. Nó cũng khiến người tiêu dùng, giới kinh doanh và công nghệ tự hỏi bao lâu nữa Nokia mới lấy lại được ánh hào quang năm xưa. Ở điểm này, im lặng thực sự là “vàng” với một công ty đang ngập chìm trong hàng loạt tin xấu.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn