Trào lưu “sim rác" đã hết thời

Thứ sáu, 20/04/2012, 16:51
Thời kỳ người dùng di động tại Việt Nam nạp tiền tài khoản để thực hiện cuộc gọi bằng cách mua... sim rác đã qua đi. Việc duy trì một số điện thoại thường xuyên để liên lạc với người thân đã trở thành nhu cầu thiết yếu, cao hơn cả lợi ích từ việc mua sim “rác”, sim “cỏ” để tiết kiệm.

>>Váy dạ hội cho 'fan cuồng' của các dịch vụ Internet 
>>Não bị tổn thương do việc nghiện internet 
 
Số thuê bao di động chạm ngưỡng bão hòa

Dạo quanh các dãy phố chuyên bán sim, thẻ cào ở Hà Nội như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Hàng Trống, Bà Triệu, Phố Huế… vẫn không quá khó để PV VietNamNet hỏi mua được một chiếc sim đã kích hoạt sẵn, chỉ việc lắp vào điện thoại là gọi được. Tuy nhiên, hầu hết những người bán hàng đều có phần ngạc nhiên và phải tìm một lúc mới thấy “sim cỏ” (kích hoạt sẵn, chỉ việc cắm vào gọi, hết tài khoản là bỏ đi) để bán cho khách.


Các chiêu khuyến mại sim mới thực chất không thể giúp nhà mạng giữ chân khách hàng.


Chị Thu Huyền, chủ một hàng bán sim thẻ gần ngã tư Bà Triệu, Tuệ Tĩnh cho biết: “Giờ ít người hỏi mua sim cỏ lắm, vì cũng chẳng còn mạng nào khuyến mại nhiều cho sim mới, mà thường chỉ khuyến mại theo mệnh giá thẻ cào nạp tiền thôi. Khách cần mua sim mới thì thường đòi chọn số dễ nhớ rồi tự đi đăng ký thông tin thuê bao để dùng lâu dài hơn”.

Anh Hùng, chủ sạp báo kiêm sim-thẻ cào trên phố Trần Phú thì thẳng thắn bày tỏ: “Bán sim rác giờ kém lắm, vì nếu mình ham khuyến mãi mà khai khống thông tin cá nhân để kích hoạt, lỡ ế hàng thì chỉ hơn tháng sau mà không phát sinh cước hay cuộc gọi là sim bị khóa, mất cả vốn lẫn lãi. Tốt nhất là mình cứ làm thẻ cào, thời hạn sử dụng tới vài năm, yên tâm không lo chuyện hết hạn hay thiu thối gì cả”.

Chiêu cạnh tranh “sim khuyến mãi” hết thời

Một thực tế rõ ràng là thị trường di động Việt Nam đã chạm ngưỡng bão hòa, bất cứ ai có nhu cầu dùng điện thoại đều đã sở hữu một (hoặc nhiều hơn) số sim di động. Giá cước và máy điện thoại rẻ khiến việc người lái xe ôm, buôn đồng nát, nhặt rác… cũng có thể dùng di động là chuyện bình thường. Ngay cả các cháu học sinh lớp 1 lớp 2 cũng mang theo di động đi học để gọi bố mẹ đến đón khi tan học sớm.

Khi nhu cầu sở hữu số di động đã bão hòa, giá cước rẻ xuống tới mức người dùng cảm thấy việc phải thay đổi số di động để hưởng khuyến mại trở nên bất tiện, chiêu bài sim cỏ, sim rác – hay nói cách khác là chiêu cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao mới và giành giật khách hàng của nhau – cũng không còn hữu dụng.

Có thể vì lợi ích giá cước rẻ, người dùng sẽ tạm mua sim cỏ để tiết kiệm tiền, nhưng sau khi dùng hết số tài khoản có sẵn, chiếc sim sẽ lập tức bị vứt bỏ, và nhà mạng cũng không giữ chân được khách hàng.

Thay vào đó, các nhà mạng đã phải chuyển sang cạnh tranh bằng các hình thức khuyến mại khi nạp tiền thẻ cào, cũng như khuyến cáo khách hàng phải đăng ký thông tin thuê bao chính xác và đầy đủ. Điều này vô cùng quan trọng với các nhà mạng bởi nếu tỉ lệ khách hàng không đăng ký thông tin hoặc thông tin sai quá lớn, nhà mạng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất trắng hàng triệu thuê bao khi Thông tư 04/2012 về Quản lý thuê bao di động trả trước (vừa được Bộ TT&TT ban hành) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2012 tới.

 
Chiêu cạnh tranh thu hút thuê bao mới bằng sim rác đã hết thời.


Nhu cầu giữ số của người dùng
 
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Nguyễn Văn Hải, thợ xây quê ở Thanh Miện, Hải Dương cho biết: “Trước đây em cũng đổi sim liên tục để được hưởng khuyến mại cho sim mới, gọi cho bạn bè, người nhà đỡ tốn tiền. Nhưng giờ thấy rất phiền phức vì cứ phải tháo lắp thay sim, lỡ số của ai lưu trên sim cũ là không tìm lại được”.

“Đó là chưa kể đôi khi gặp lại chủ nhà cũ mình từng xây, họ nói đợt trước gọi điện cho mình để thuê cải tạo nhà nhưng không được. Hỏi người quen tìm số cũng chẳng ai biết vì mình đổi số liên tục, nên phải gọi thợ mới. Thành ra mình vì vài đồng tiết kiệm điện thoại nên lại bị mất mối làm ăn lớn gấp nhiều lần”, anh Hải chia sẻ.

Về bản chất, hầu hết người dùng di động đều mong muốn duy trì số thuê bao ổn định để tiện việc liên lạc với người quen, chứ không ai muốn đổi số liên tục. Có chăng chỉ những người đang trốn nợ mới không có nhu cầu này.

Trước đây, vì giá cước cao và các chính sách khuyến mãi phát triển thuê bao của nhà mạng, người dùng di động tại Việt Nam đã phải thích nghi bằng cách “thay sim như thay áo”. Tuy nhiên, khi việc phát triển thuê bao mới đã trở nên bão hòa, cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý thông tin chủ thuê bao di động trả trước, các nhà mạng cũng không còn nhìn thấy nhiều lợi ích từ việc khuyến mại sim rác.

Thay vào đó, việc chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ tốt để giữ chân thuê bao đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà mạng. Việc duy trì số thuê bao ổn định cũng là nhu cầu chính đáng mà người dùng di động đang cần được đáp ứng. Vì thế, có thể thấy trào lưu sử dụng sim cỏ, sim rác đã đến lúc thoái trào.
 

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích