"Cuộc chiến" không cân sức
Mới đây, văn phòng đại diện tập đoàn Toyota Nhật Bản đã có công văn gửi Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan xác nhận Toyota Việt Nam là nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền xe ôtô Toyota tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Toyota Nhật Bản cũng không cho phép bất kỳ nhà phân phối nào của tập đoàn này được chỉ định hay ủy quyền cho thương nhân Việt Nam nhập khẩu và phân phối các loại ôtô Toyota. Trên lãnh thổ Việt Nam, Toyota Việt Nam là pháp nhân duy nhất có quyền nhập khẩu các nhãn hiệu ôtô của tập đoàn này.
Đồng thời, Toyota Nhật Bản cũng thông báo chưa cho phép bất kỳ pháp nhân/cá nhân nào được quyền nhập khẩu/phân phối sản phẩm mang các thương hiệu khác thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn như Lexus hay Scion tại Việt Nam.
Trước đó, văn phòng đại diện Toyota Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) thông báo về việc chưa cho phép pháp nhân nào được quyền nhập khẩu và phân phối ôtô Lexus tại thị trường Việt Nam. Văn bản này được Toyota Nhật Bản phát đi sau sự kiện Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hưng Long nhập khẩu hơn 40 xe Lexus, trong đó nhiều xe đã được bán ra thị trường cùng hàng chục xe khác chưa thông quan hoặc chưa về đến cảng.
46 xe Lexus đã lách thuế về VN thành công? (ảnh minh họa)
Có thể nói, với quy định mới tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương về ôtô loại dưới 9 chỗ ngồi khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải có thêm giấy chỉ định, giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất. Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định; phải xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp mới được phép đưa xe về thị trường lưu hành...
Như vậy, ngoài một số nhà phân phối xe Hyundai, Audi, BMW... đã có được uỷ quyền chính hãng từ trước, thị trường ôtô nhập khẩu chủ yếu sẽ rơi vào tay các liên doanh ôtô tại Việt Nam như Honda, Toyota, Ford, Mitsubishi, Isuzu, Mercedes...
Điều đó là tất yếu bởi các công ty này chính là những công ty con thuộc các tập đoàn trên, vì thế việc trở thành nhà nhập khẩu và phân phối chính thức xe mang thương hiệu của tập đoàn không có gì phải bàn. Các DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh với những liên doanh này để giành được quyền nhập khẩu và phân phối những thương hiệu như Toyota, Honda, Ford, Mercedes...
Tại thị trường Việt Nam các thương hiệu như Hyundai, Kia, Toyota, Honda, Ford, chiếm gần 80% tổng lượng xe tiêu thụ. Các DN Việt Nam có chăng chỉ giành được quyền nhập khẩu và phân phối những mẫu xe ít tên tuổi như xe Trung Quốc hay có số lượng tiêu thụ không nhiều như Land Rover, Citroen, Chrysler...
"Miếng bánh béo bở"
Thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam được cho là "miếng bánh béo bở" bởi người tiêu dùng Việt Nam vẫn đánh giá xe nhập khẩu nguyên chiếc cao hơn xe lắp ráp trong nước. Xe nhập khẩu được ưa chuộng hơn vì nó sang trọng, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại hơn xe trong nước lắp ráp.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng bình quân nhập khẩu ôtô khá cao, đạt 26,4%/năm về số lượng và 23,9% về giá trị, cao gấp 2 lần so với tăng trưởng bình quân sản lượng xe lắp ráp trong nước cùng giai đoạn là 11,36%/năm. Trong đó, ôtô nhập khẩu từ 9 chỗ trở xuống có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt mức bình quân 51,65%/năm.
Mặc dù kinh tế năm 2011 gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao gây ra, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhưng tiêu thụ xe nhập khẩu hạng sang vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Công ty Euro Auto, nhà phân phối chính thức xe BMW tại Việt Nam - cho biết, năm 2011 mức tăng trưởng tiêu thụ xe BMW đạt 35% so với cùng kỳ 2010. Công ty cổ phần Liên Á Quốc tế, nhà phân phối chính hãng của Audi tại Việt Nam, cũng cho biết, tính đến hết tháng 7 năm 2011, Audi đã bán được bằng tổng doanh số xe bán ra trong năm 2010 và đạt được sự tăng trưởng 169% so với cùng kỳ năm ngoái. World Auto, nhà phân phối chính thức thương hiệu Volkswagen tại Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng. Trong 8 tháng đầu năm 2011, số lượng xe Volkswagen bán ra tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), giai đoạn 2015-2020 nhu cầu ôtô cả nước sẽ tăng lên tới mức 300.000 xe/năm, trong đó xe từ 9 chỗ trở xuống sẽ chiếm tới 60%. Bên cạnh đó, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ngày càng giảm theo lộ trình gia nhập AFTA và WTO. Đến 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ còn 5%.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, cộng với thói quen ưa chuộng hàng ngoại, thì nhập khẩu ôtô sẽ tăng và thị trường xe nhập khẩu thực sự sẽ là "miếng bánh béo bở" các DN.
Tuy nhiên các DN Việt Nam ít có cơ hội để được chia phần "miếng bánh béo bở" này.
Theo thegioioto.com
(Nguồn: Vef.vn)