Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 1: Chân cong

Thứ hai, 21/07/2014, 10:46
Tôi quyết định thực hiện loạt bài này sau nhiều tháng liên tiếp đọc về các trường hợp ra tòa vì hiếp dâm một đứa bé hàng xóm, cưỡng hiếp bạn cùng lớp, hay thậm chí là cháu nội, con ruột.

Nhi ở trong ngôi nhà của mình. Từ đây, em có thể xem tivi, nhìn những đứa trẻ trong xóm chơi. Vì bị thiểu năng, em không nhớ được và không làm được việc chân tay tốt. Nhưng những ký ức về chuyện bị xâm hại đã ám ảnh em từng ngày trong đời...

Tôi thường tự hỏi, sau khi tội ác đó xảy ra, những kẻ gây ra tội ác dù đi tù hay thoát tội, thì còn lại đứa trẻ, nó sẽ xoay xở ra sao với cuộc đời dài thăm thẳm trước mặt? Cũng vì lý do đó, loạt bài này tòa soạn không sử dụng tên thật của các em cũng như gia đình các em, mà chỉ kể lại câu chuyện của họ.

Em ngồi trong căn nhà có một gian lợp tôn và bạt xen lẫn, xây trên đất mượn của người bà con. Cha em kéo ghế bảo: “Con ra ngoài chơi cho ba nói chuyện với cô đi!”, em bước xuống giường, lúc đó tôi mới nhìn thấy hai chân của em cong ở đầu gối, khiến em chỉ có thể đứng cong nửa chừng và lê đi từng bước.

Xa nhà....

Nhi sinh năm 1998. Cha em, anh Phạm Văn Minh (*) và mẹ em, chị Nguyễn Thị Hoài, yêu nhau từ cuộc gặp do em trai chị Hoài dắt anh Minh tới nhà chơi. Nhi là tình yêu đầu tiên của anh chị ra đời. Thời ấy, anh có vài công đất, trần thân trên đồng, hết làm lúa tới trồng mía, hết nuôi cá rô tới nuôi gà, nuôi vịt. Nhưng cứ mỗi ngày Nhi lớn hơn một chút, người ta càng nhận ra một sự đau lòng: chân em cong và em sẽ không thể di chuyển được như những đứa trẻ khác.

Anh Minh nói: “Nhìn con mình vậy đau lòng lắm chứ. Nhưng càng thấy con thì tôi càng thương, thương nó nhiều hơn cả hai đứa em” - anh đi ra cửa, vuốt tóc Nhi. Con bé đứng lơ ngơ nhìn những hạt mưa đổ xuống dòng kênh.

Năm Nhi 13 tuổi, vợ chồng anh phát hiện ra Nhi còn không nhớ được gì. Em học chữ hoài không nhớ. Quyển tập viết viết hết quyển, tô hết chữ 4-5 lần, thay vở liên tục, nhưng em chỉ nhớ được đến a, b, c là hết. Trí nhớ của Nhi chỉ tụ lại dăm ba điều đơn giản, cha, mẹ, hai đứa em, những câu nói lặp đi lặp lại vài lần là quên mất.

Chị Hoài, mẹ của Nhi nói: “Có lúc tôi mất phương hướng, không biết làm sao để con mình lớn lên tự sống được. Lúc ấy em tôi mới bảo hay gửi con lên trung tâm từ thiện chỗ em làm, có ông chủ trung tâm tốt lắm, cho nó học nghề luôn”.

“Con tôi suốt 13 năm không nhớ được cái gì, ăn nói còn không thành công, vậy mà lúc kể chuyện bị ổng làm gì, nó chỉ nói lặp đi lặp lại một chuyện. Cái gì đau lòng chắc nó không quên được” - anh Minh - ba nạn nhân - kể.

Chị Hoài sợ con đi xa không ai chăm sóc, nhưng lại nghĩ đến viễn cảnh con mình có thể học được cái nghề nào đó, giống những người khuyết tật khác, rồi có thể tự nuôi thân mình và tự lập, ít nhất là “khi tụi tôi già chết!” - như anh Minh kể. Năm 13 tuổi định mệnh đó, Nhi được cha mẹ gửi lên một cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật từ thiện tại quận P., TP.HCM, theo lời người em trai của chị Hoài. Người chủ trung tâm - một ông lão dáng vẻ hiền từ, nói con của anh chị sẽ được học nghề.

Hai năm sau, một ngày ở trong xưởng, chị Hoài ngất lịm khi nhận được cuộc điện thoại từ TPHCM: con chị bị hiếp dâm, lên TP.HCM đón bé về.

Trớ trêu thay, người chủ trung tâm - ông lão gần 80 tuổi dáng vẻ hiền từ năm nào - chính là nghi can của vụ án.

Nhiều lần bị xâm hại tình dục?

Người phát hiện ra Nhi bị xâm hại tình dục là một người chị khuyết tật cùng trung tâm. Nhi được các chị ở cùng trung tâm đưa đi khám và bác sĩ hỏi: “Em có lập gia đình chưa?”. Trước sự bàng hoàng của những người chị ở chung, Nhi kể lại ông chủ trung tâm đã làm gì mình trong những đêm ông đi vào phòng nữ, mà em nằm gần cửa. 15 tuổi, lại bị yếu về khả năng trí tuệ, Nhi không biết những hành động ông chủ trung tâm làm được gọi là cưỡng dâm.

Nhi chỉ biết kể cho bác sĩ, cho bạn, cho cha mẹ hay bất cứ ai cầm tấm ảnh ông chủ trung tâm lên và hỏi, đều vỏn vẹn trong 3 câu ngắn, trần trụi, thô bạo và giống hệt nhau. Em kể rành mạch mình đã bị xâm hại bao nhiêu lần, ở đâu, người đó nói gì, dọa giết em ra sao.

Anh Minh kể: “Con tôi suốt 13 năm không nhớ được cái gì, ăn nói còn không thành công, vậy mà lúc kể chuyện bị ổng làm gì, nó chỉ nói lặp đi lặp lại một chuyện. Cái gì đau lòng chắc nó không quên được”.

Có đêm, đang ngồi xem tivi, thấy người đàn ông kia được lên tivi, được trao giải thưởng nhân ái, Nhi đang nằm trên giường, ngồi dậy bật khóc, ôm lấy tivi, rồi chạy ra giữa đường khóc. Em hỏi tôi: “Sao ông ấy làm vậy với em mà không ai bắt ổng?”.

Những dấu vết từ các cuộc giám định pháp y, những cuộc lấy lời khai ở công an, một lần ông chủ trung tâm bị bắt tạm giam... cuối cùng cũng không đủ kết tội ông, mặc dù các kết luận đều chứng minh rằng, một đứa trẻ “thiểu năng” như Nhi đã bị xâm hại. Nhi trở về nhà, từ ngày hôm đó, sống với ám ảnh của niềm căm giận.

Không nhớ một bài học quá hai ngày, nhưng Nhi nhớ như in những ngày mình bị xâm hại. Không nhớ khi gặp một người quen, nhưng chỉ cần nhìn một tờ báo photo, Nhi nhận ra ông giữa đám đông người đang mỉm cười trong ảnh. Có đêm, khi tâm sự với mẹ, từ những chuyện linh tinh mỗi ngày, đột nhiên Nhi lầm bầm kể lại câu chuyện cũ, rồi khóc, rồi la hét.

Ở một cái xóm nghèo tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) này, cả xóm ai cũng biết em bị tai nạn, nhưng không một ai xung quanh lại gần nhắc chuyện đau lòng. Những đứa con họ vẫn sang chơi với Nhi. Không một ánh mắt kỳ thị, một sự trêu đùa ác ý nào xuất hiện mỗi khi vợ chồng anh Minh đi làm về qua xóm. Anh Minh kể: “Bà con xung quanh mình biết chuyện, họ không có nói cho mình đau lòng đâu cô! Có người còn bảo sao tôi thấy con bị oan mà để vậy, sao không đi kiện tới cùng đi?”.

Nhi nói với tôi: “Tụi nó chơi với con mà. Con chơi chán thì lại vào nhà xem tivi”. Trong sân gần chục đứa trẻ đang chạy lăng xăng khều một tổ ong bé bị rơi và đổ mấy con cá bắt dưới sông vào lọ. Mặc dù Nhi phải lết đi, nhưng tụi nhỏ vẫn chờ, chỉ cho em xem thứ em thích thú.

Trên chiếc giường quen thuộc, giờ mỗi ngày Nhi ngồi xem tivi, trở về với dòng sông, hàng xóm của mình. Gương mặt và thân thể em giờ đã như cô thiếu nữ 15 tuổi, xinh xắn, thon gọn.

Chỉ còn lại một hạt nước mắt, bất cứ lúc nào cũng có thể làm trỗi dậy trong em một cơn giận dữ không kìm nén được, bởi với em, em đã bị một “người tốt” gần 80 tuổi cưỡng hiếp.

Em có thể kể lại hàng ngàn lần như thế.

(Còn tiếp)

Nhi là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục kéo dài gần hai năm với một ông lão gần 80 tuổi, khi em xa nhà, đến sống và học nghề tại một cơ sở từ thiện. Người bị tố cáo cưỡng hiếp em cũng là chủ trung tâm. Em được hai người chị khuyết tật cùng trung tâm đưa đi khám bệnh khi em nói bị đau vùng kín.

Từ việc khám bệnh, đến những gì em mô tả cho bác sĩ, bác sĩ đề nghị báo với gia đình em là có thể em bị xâm hại. 14 tuổi, bị thiểu năng, không có trí nhớ, Nhi không biết mình bị xâm hại vì như em kể: Ông bảo em nói là ông giết”. Tuy nhiên, đến nay vụ án chưa có thêm tiến triển nào, khi em là nạn nhân và nhân chứng duy nhất, lại bị thiểu năng trí tuệ và không có một ai khác làm chứng cho vụ việc.

Về mặt luật pháp, người ta không thể kết tội người chủ trung tâm khi không có đủ chứng cứ. Tuy nhiên, trong nhiều ngày tiếp xúc với Nhi và những người thân của em, cán bộ phụ nữ xã... chúng tôi nhận thấy sự tổn thương mà em phải gánh chịu luôn tồn tại trong gia đình em, trong bản thân em. Đó là quyết định khiến chúng tôi ghi lại câu chuyện này. Hằng năm tại Việt Nam, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có hơn 1.000 vụ hiếp dâm xảy ra, trong đó 65,9% số vụ là hiếp dâm trẻ em.

(*) Tên nhân vật và cha mẹ nhân vật đã được thay đổi để giữ an toàn cho nạn nhân của vụ hiếp dâm.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn