Những đứa trẻ sinh ra đều chậm phát triển trí não, thể chất.
Bi kịch từ nghèo đói, “mù” luật
Thôn 7 xã Trà Cang chỉ cách trung tâm huyện lỵ khoảng 15km với khoảng 20 nóc nhà. Tuy nhiên, vì đường đi cách trở nên cuộc sống người dân nơi đây, quanh năm quanh quẩn trên các sườn đồi, nương rẫy, con suối. Những đứa trẻ sinh ra, đời này qua đời khác, chưa một ngày được đến trường. Gia đình ông Hồ Văn Tiên (người dân tộc Xê Đăng, ngụ thôn 7, xã Trà Càng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cũng vậy.
Thời chiến tranh loạn lạc, lại mải kiếm cái ăn cái mặc mà hơn 30 tuổi, ông Tiên mới nên duyên vợ chồng với bà Hồ Thị Nắc (50 tuổi, người cùng thôn). Lấy nhau, cả hai làm một lèo sáu người con (chết hai đứa đầu). Giống như ba mẹ, ban ngày, lũ con của ông Tiên đều phải lao ra rừng kiếm cái bỏ bụng, tắt nắng lại kéo nhau về cùng chen chúc nhau trong căn nhà làm bằng nứa chỉ rộng 16m2.
Mười lăm năm trước, em Hồ Thị Dương (khi đó mới 12 tuổi, con út của ông Tiên bà Nắc) vì nhà chật chội nên vô tư ngủ bên cha. Sự chung đụng khiến ông Tiên vài lần ôm lấy con gái rồi nảy sinh dục vọng. Do còn nhỏ tuổi, nhận thức kém, cô bé cũng không phản ứng lại hành động lén lút “làm chuyện kỳ kỳ” của cha với mình mỗi đêm.
Sau nhiều lần ông Tiên “ăn vụng” với con gái, bà Nắc cũng phát hiện được. Nhưng thay vì phân tích cho chồng biết việc làm trên trái đạo lý và cứu lấy Dương, bà Nắc lại ghen tuông với chính con gái. Nghĩ con “cướp chồng” của mình, bà Nắc còn chửi bới, nói xấu Dương khiến mối quan hệ mẹ con trở mặt thành thù.
Ngày Dương ôm cái bụng lùm lùm đứa con đầu tiên, biết không thắng nổi “tình địch”, bà Nắc đùng đùng cùng người con trai cả dắt nhau qua ngọn đồi bên cạnh dựng nhà… sống chung. Hai người con còn lại, ê chề chứng kiến gia đình mình xào xáo, lặng lẽ vượt núi bỏ đi nơi khác. Thời gian qua đi, không có sự ngăn cản của ai, cha con ông Tiên vẫn tiếp tục mối quan hệ trái luân thường đạo lý.
Phần bà Nắc, “ra riêng” được một thời gian nhưng cảm thấy tủi hổ nên quyết định “chia tay” con trai, để dọn đến sống chung với Nguyễn Văn Cường (nhỏ hơn bà Nắc tới 11 tuổi, ngụ cùng thôn 7). Vợ chồng bà Nắc hiện có với nhau 3 người con, riêng bé gái đầu, người dân trong thôn và cả ông Cường đến nay đều khẳng định “nó giống y chang con trai lớn bà Nắc”.
Khi ông Tiên và Dương công khai vợ chồng với nhau, chính quyền không hề hay biết. Đáng nói hơn, theo người dân sống trong thôn 7, dù đã chọn cho mình cuộc sống riêng, nhưng đứa con gái tên Dương và bà Nắc vẫn thường cãi vã qua lại chuyện cũ.
Lý do, nhà bà Nắc và chồng mới nằm cách nhà Dương và ông Tiên không xa nên mỗi lần thấy những đứa cháu nhỏ chạy chơi gần đó, y như rằng bà Nắc lại “lên cơn ghen”. Muốn xỉa xói, tìm cớ gây chuyện với Dương, bà Nắc thường quát tháo, đánh đập các cháu bé. Biết chuyện, ông Tiên trong vai người cha cũng là ông ngoại nhưng không dám ra mặt bảo vệ đám trẻ.
Thấy tình cảnh éo le trên, đầu năm 2014, ông Nguyễn Văn Tùng (ba chồng mới của bà Nắc) đã làm đơn tố giác gửi chính quyền địa phương.
Ông Hồ Văn Công (thôn trưởng thôn 7) cho biết, thời điểm đó, do nhận thức pháp luật hạn chế nên dù biết chuyện trong nhà ông Tiên, người dân vẫn xem như bình thường và vụ việc bị “bỏ qua” hàng chục năm. Lúc vỡ lở, đại diện chính quyền có đến khuyên bảo, ngăn chặn việc sống chung của hai cha con ông Tiên, nhưng không có kết quả.
Gọi cả hai lên xã làm việc, nhưng họ toàn bận đi rẫy, có khi có lên nhưng không chịu nói điều gì. Năng lực của địa phương không thể xử lý vì không có căn cứ xác thực để buộc tội và cũng không thể cấm họ ở chung một mái nhà vì trên giấy tờ họ là cha con. Xã bất lực nhờ đến huyện, rồi đến khi tỉnh vào cuộc, ông Tiên mới bị bắt.
Còn bà Nắc, do thời gian trôi qua đã lâu, nay bà cũng lập gia đình nên địa phương không truy cứu lại thông tin bà từng “ăn nằm” với con trai như người làng xì xầm.
Phạm hai tội loạn luân và hiếp dâm trẻ em
Sau hơn 1 tháng điều tra, Công an huyện Nam Trà My bước đầu xác định hành vi của ông Hồ Văn Tiên đã phạm tội loạn luân và hiếp dâm trẻ em. Xét thấy vụ việc vượt thẩm quyền giải quyết, tháng 5/2014, PC45 Công an tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận thụ lý. Bị đưa về trụ sở công an tỉnh, ông Tiên hồn nhiên khai nhận hành vi, nhưng cho biết, việc làm của mình chỉ “khó coi” chứ không nghĩ phạm luật.
Căn nhà nơi thủ phạm Tiên 15 năm sống chung như vợ chồng với con gái. |
“Con mình, mình đẻ ra mình “lấy” thôi, đâu có “lấy” của người khác. Mà hồi đó, con bé (ý nói Dương) cũng chấp nhận “cho” mình nên mình nhắm mắt làm bừa. Về sau bà vợ bỏ đi, con bé có thai nữa, mình không nỡ bỏ rơi lên coi nó như vợ luôn. Sống với nhau mãi cũng quen, không ngại ngùng nữa. Con bé vẫn kêu mình bằng ba. Sau ni sinh con, các con lớn thì nó đổi gọi mình bằng anh, để …nhường tiếng ba cho mấy đứa trẻ gọi, trong nhà cũng khỏi nhầm lẫn…”, Tiên tường trình.
Các điều tra viên PC45 cho biết thêm, song song lấy lời khai, ông Tiên còn được giải thích pháp luật, phân tích những hệ lụy, cả luân thường đạo lý trong mối quan hệ giữa ông với con gái. Thế nhưng, dường như ông Tiên không ngộ ra mà vẫn khăng khăng: “Mình làm cha nó, nên khi nó làm vợ mình, mình còn thương hơn bọn thanh niên trong làng ấy chứ. Nếu gả chồng trong làng cho, con Dương chưa chắc sướng hơn”.
Cũng theo cơ quan điều tra, thời gian này, Tiên được đưa về giam giữ tại trại tạm giam công an tỉnh. Vào trại, Tiên gặp nhiều người phạm tội với nhiều tội danh khác nhau nhưng khi biết hành vi đê tiện của ông, nhiều bạn tù không thể nào chấp nhận, không tiếp xúc nói chuyện. Do đó, Tiên sống lầm lũi, gần như không chia sẻ, giao lưu xung quanh.
Lấy lời khai từ nạn nhân Dương, cô gái này cho biết, khi bị người thân bỏ mặc và không ai tư vấn, Dương mặc nhiên xem cha như chồng. Kinh tế gia đình vốn khó khăn, người mẹ 13 tuổi qua nhiều lần sinh nở và lo toan con cái cực nhọc mà ngày càng héo hon, đau ốm triền miền.
Theo một số hộ dân, Dương bị mắc nhiều chứng bệnh khó nói nhưng vì không biết nhờ vả ai nên đành cố chịu đựng. Đặc biệt, 3 đứa con của Dương, lúc sinh ra, không chỉ cơ thể mà trí tuệ cũng không được bình thường. Ngoài đứa thứ 2 đã mất, đứa con đầu của Dương nay được 14 tuổi, bị dị tật bẩm sinh, chân tay yếu ớt không làm được việc gì. Đứa kế 11 tuổi, suốt ngày cười nói lơ ngơ. Cách đây 3 năm, Dương còn sinh thêm đứa con trai út nhưng hiện tại vẫn chưa biết nói.
Từ lúc ông Tiên bị bắt, cuộc sống của Dương càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Để có tiền, Dương đành phó mặc các con ở nhà tự chăm sóc nhau. Trước khi đi làm, Dương sang hàng xóm gửi mấy gói cháo, nhờ đến trưa mang tới hướng dẫn cho các con nấu ăn.
Thủ phạm gây ra tội ác sẽ phải đền tội, đau lòng nhất lúc này là đàn con thơ và người mẹ sống trong cảnh bơ vơ giữa rừng thẳm, bị họ hàng ghét bỏ. “Mấy đứa trẻ suốt ngày còn bị bà ngoại chửi bới nên ít nhiều chúng cũng hiểu ra chuyện cha mẹ mình thế nào, cũng do mặc cảm thân phận mà chúng mới luôn thu mình lại như vậy”, lời một người hàng xóm.
Theo Báo Pháp luật