Hậu quả vụ nổ kinh hoàng (Ảnh: Tri thức Trực tuyến) |
Để giải đáp câu hỏi trên, PV đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, vụ nổ hóa chất tại cơ sở sản xuất phân bón ở TP.HCM khiến dư luận hết sức lo ngại. Theo ông, ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu cơ quan chức năng khởi tố vụ án?
Vụ nổ xảy ra tại Chi nhánh Công ty TNHH Sản Xuất Dịch vụ Thương Mại Đặng Huỳnh, số 66/2 đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP.HCM. Căn cứ vào thông tin trên Cơ sở dữ liệu của Tổng cục thuế và dữ liệu Cục Đăng ký kinh doanh thì Trưởng chi nhánh là ông Nguyễn Văn Thanh, giấy chứng nhận hoạt động cấp ngày 21/11/2011. Giám đốc đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản Xuất Dịch vụ Thương Mại Đặng Huỳnh là ông Huỳnh Văn Hải.
Vụ nổ gây ra hậu quả Đặc biệt nghiêm trọng nên cần thiết phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý.
Về người sẽ bị khởi tố, trước hết là Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đó là ông Huỳnh Văn Hải và Trưởng chi nhánh tại nơi xảy ra vụ nổ, đó là ông Nguyễn Văn Thanh.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn phải xem xét trách nhiệm về đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của chính quyền địa phương vì đây là doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, nằm trong khu dân cư là trái quy định pháp luật về quy hoạch của UBND TP HCM. Do đó, cần xem xét trách nhiệm của UBND phường, cơ quan tham mưu về việc kiểm tra, xử lý địa chỉ sản xuất này trong thời gian qua có đúng quy định pháp luật hay không? Nếu xác định người nào có hành vi “Thiếu trách nhiệm” trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình trong thời gian qua dẫn đến hậu quả ngày hôm nay thì khởi tố cá nhân đó.
Vậy đâu là căn cứ để khởi tố vụ án này?
Trước hết, căn cứ vào Điều 285 Bộ Luật hình sự “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong quá trình điều tra, nếu xác định có hành vi liên quan đến “Vật liệu nổ” thì cơ quan điều tra sẽ áp dụng Điều 232 BLHS “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.
Trong trường hợp xác định nơi xảy ra vụ nổ không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận ngành nghề sản xuất kinh doanh mà vẫn tổ chức sản xuất kinh doanh thì Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào Điều 159. “Tội kinh doanh trái phép” để xem xét khởi tố.
Thiệt hại của vụ nổ là đặc biệt nghiêm trọng và nó này sẽ quyết định như thế nào đến vụ án, nếu được khởi tố?
Thiệt hại của vụ nổ là đặc biệt nghiêm trọng, do đó, việc khởi tố điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân là tất yếu để xác định trách nhiệm hình sự của từng cá nhân liên quan, áp dụng pháp luật để xử lý. Bên cạnh đó cần phải xác định trách nhiệm dân sự, bồi thường cho những người bị hại trong vụ nổ nêu trên.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Infonet