Khổ vì... vợ xinh
Ngày 10/11/2011, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hồ Minh Thừa về tội “Giết người”. Nguồn cơn thanh niên này phạm tội khiến nhiều người dự khán vừa giận lại vừa thông cảm cho phút không kiềm chế được của bị cáo.
Ảnh cưới của vợ chồng Thừa.
Thừa là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Nhà không có ruộng, người cha quanh năm đi làm mướn ở thành phố. Người mẹ ở nhà đi lựa mủ, phế liệu, trồng cải kiếm thêm. Không có điều kiện theo nghiệp đèn sách, học đến lớp 6 Thừa ở nhà phụ giúp gia đình.
Năm 2010, Thừa bị cảm phải vào viện điều trị. Tại đây, Thừa gặp và “cảm” luôn cô gái Lê Thị Ánh Nguyệt, cùng nằm viện. Đầu năm 2011, hai người làm lễ cưới. Do Thừa chưa đủ tuổi nên chưa làm được đăng ký kết hôn.
Sau khi có vợ, hàng ngày Thừa chạy xe ba gác mướn cho một cơ sở gần nhà, thu nhập mỗi ngày chừng 50 ngàn đồng. Tiền công ít ỏi, vợ lại “bụng mang dạ chửa”, Thừa cũng tỏ ra là người đàn ông có trách nhiệm khi ngoài thời gian đi làm thuê còn đi chạy xe ôm kiếm thêm. Trong số những “khách ruột” của Thừa có Nguyễn Chí Cường.
Nói về chị Nguyệt (vợ Thừa) là người đang ở tuổi xuân thì khiến cho cánh đàn ông phải ngẩn ngơ. Lấy được vợ xinh xắn, Thừa cũng hãnh diện “vênh mặt với đời” lắm.
Nhưng ở đời không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Cũng vì lấy được cô vợ là “hoa khôi làng” nên Thừa đã không ít lần “bầm gan tím ruột” vì bị bạn bè chọc ghẹo. Đã thế, Nguyệt lại “dễ thương” đến lạ, ai ghẹo cũng cười khiến Thừa càng thêm tấm tức.
Ngày 26/5/2011, Thừa đến quán của ông Năm Phải (người cùng ấp) thì gặp Cường cùng một số người bạn đang ngồi nhậu ở đây. Tại đây, Cường hỏi Thừa: “Hôm bữa tao tới kêu xe ôm. Con nhỏ mặc áo đỏ ở nhà mày là người ở hay vợ mày đấy”. Nghe Cường hỏi câu đâm hơi, Thừa vẫn kiềm chế đáp: “Em nghèo muốn chết, làm gì mà có con ở. Vợ em đấy”.
Mẹ Thừa chia sẻ.
Nghe Thừa nói vậy, Cường bảo: “Vợ mày dễ cưng quá. Bữa nào cho tao hôn một cái”. Thừa bực dọc: “Tôi không thích giỡn vậy à nghen”. Mặc cho chiến sự sắp có nguy cơ bùng nổ, Cường lại càng không biết điều mà “gân guốc” thòng tiếp một câu: “Anh em không hà. Tao nói vậy, không lẽ mày đánh tao”. Nóng máu, Thừa thẳng thừng tuyên chiến: “Tôi đánh thiệt chứ không nói chơi đâu”. Nói xong, Thừa đứng dậy bỏ về.
Câu nói “vô duyên” gây đổ máu
Trên đường về, Thừa thấy ông Dũng (hàng xóm) đang nằm xem tivi gần đó liền đến mách: “Thằng Cường đòi hôn vợ con, con về lấy dao chém nó”. Nghe vậy ông Dũng khuyên Thừa nhậu xỉn rồi đi về nghỉ ngơi. Lúc này, chị Nguyệt cũng tìm đến quán kêu chồng. Sau đó, hai vợ chồng đi về, ông Dũng còn đi theo dắt xe cho Thừa.
Những tưởng, mọi chuyện đã êm xuôi. Ai ngờ, khi về đến nhà, Thừa vội ra nhà sau lấy 1 con dao rồi đến quán ông Năm Phải. Đến nơi, thấy Cường đang ngồi đánh bài, Thừa không nói không rằng, lẳng lặng cầm dao đi đến chém thẳng vào đầu Cường. Mặc dù được mọi người ngăn cản nhưng sau đó, Thừa còn vung dao chém trúng lưng Cường.
Tại phiên tòa, bị cáo Thừa khai nhận hành vi của mình đúng như nội dung cáo trạng đã truy tố. Riêng bị hại không biết có phải xấu hổ vì đã “phát ngôn bừa bãi” nên vắng mặt. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Cường đã làm đơn xin bãi nại và đơn xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
HĐXX nhận định, việc cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Giết người”, với tình tiết tăng nặng có tính chất côn đồ là chưa có cơ sở vững chắc. Bởi lẽ, bị hại có lỗi trước, còn bị cáo lại là người có nhân thân tốt, chưa tiền án, tiền sự. Vì vậy, đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết tăng nặng. HĐXX tuyên phạt Thừa 4 năm tù.
Sau phiên sơ thẩm, bị hại và bị cáo đều không kháng cáo. Nhưng VKSND Tối cao tại TP.HCM lại có kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo. Ngày 21/2/2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm.
Đại diện VKS nhận định, xuất phát từ một câu nói đùa vô thưởng vô phạt của bị hại nhưng bị cáo lại về nhà lấy dao rồi bất ngờ tấn công từ phía sau, sau đó chém vào đầu bị hại là đã phạm vào tội giết người với tính chất côn đồ.
Bản án sơ thẩm nhận định “trong vụ án này bị hại có lỗi trước chứ không phải bị cáo chém người vô cớ” là không đánh giá đúng tính chất sự việc cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, không đảm bảo yêu cầu giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa chung. Đồng quan điểm, cuối cùng HĐXX phúc thẩm đã tăng án đối với bị cáo lên 8 năm tù giam.
Bao giờ cha về đưa con đi học? Ngày Thừa gây án, chị Nguyệt vẫn còn đang mang thai. Đến khi Thừa ra tòa, bị cáo mới lần đầu được nhìn thấy đứa con của mình. Mất đi trụ cột trong gia đình, chị Nguyệt phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi tất tả đi làm thuê kiếm tiềm nuôi con. Bà Nguyễn Thị Tiết (48 tuổi, mẹ Thừa) buồn bã tâm sự: “Con thằng Thừa ngoan, khôn dữ lắm. Bữa hôm lên trại giam thăm ba, nó cứ quấn lấy cổ, hôn ba nói: “Cha đi nhanh về đưa con đi học nha”. |
Theo Pháp luật Việt Nam