Mẹ em khóc cạn nước mắt, vợ em ba lần viết đơn ly hôn, đến khi em không còn lối thoát em mới bừng tỉnh. Ma túy đã cướp đi tất cả tuổi trẻ, hạnh phúc, tiền bạc. Em muốn qua báo để bày tỏ với những người trẻ đang lầm bước trong ma túy, hãy từ bỏ nó và đứng lên bằng nghị lực của mình” - Mai Văn Ly - chàng thanh niên 26 tuổi đời có 12 năm làm bạn với ma túy - trần tình về những ngày đau khổ của mình.
Sau mỗi chiều vất vả làm hồ, Ly hạnh phúc bên vợ và con cùng ăn cơm.
Lạc bước giang hồ
Nhìn Ly hạnh phúc bên vợ con trong bữa cơm chiều đạm bạc tại phòng trọ trên đường 30/4 (phường 11, TP.Vũng Tàu), không ai nghĩ người thanh niên này đã có một thời lầm lỡ 12 năm đắm chìm trong ma túy. Tuy những ngày đau khổ, tủi nhục và “lên tiên” không còn nữa, song lương tâm luôn dằn vặt tiếc nuối cho những ngày “lạc bước giang hồ”.
“Có ngày, em đã chích 5 mũi. Không lúc nào trong người không có thuốc. Thuốc để ở cạp quần, ở tà áo. Chỉ cần giả vờ đi vệ sinh 3 phút, là có thể chích xong. Khi nghiện, lúc nào cũng nghĩ đến thuốc. Ai xui gì em cũng gật đầu, kể cả ăn cắp, cướp giựt, miễn là có ma túy để thỏa mãn cơn nghiện” - Ly nói.
Khác với những người “quay đầu trở lại”, sau một thời lầm lỡ là giấu nhẹm thân thế, hoặc ít nhất cũng “ngậm tăm” về quá khứ của mình, Mai Văn Ly lại muốn thổ lộ tất cả những tật xấu - mà theo anh là đưa lên báo để giúp những người nghiện ma túy đang luẩn quẩn trong cái vòng “làm thế nào để cai nghiện thành công”.
Sinh ra và lớn lên ở xã Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa), mặc dù sống với ông bà ngoại ở quê, song khát khao tìm bố đẻ ra mình luôn ấp ủ trong tim của đứa trẻ. Ly bỏ nhà từ Thanh Hóa vào Vũng Tàu với quyết tâm tìm gặp người đã sinh ra mình.
“Khi gặp được bố, em đã khóc. Bố em cũng thấy có lỗi, vì bỏ rơi em. Từ đó, tháng nào ông cũng gửi về 600.000 đồng cho em ăn học. Nhưng chính những đồng tiền ấy, em bắt đầu sinh tật, theo đám bạn xấu đi hút. Lúc đó, em khờ khạo, chẳng biết ma túy là gì. Mấy thằng bạn nó xúi cứ hút thử cho biết. Ai ngờ, thử một lần thấy phê, rồi nghiện lúc nào không biết.
Khi biết đã nghiện ma túy, em chỉ muốn chết, nhưng không làm cách nào để dứt ra được. Để có tiền mua thuốc hút, ban ngày đi học nhưng không đến trường mà đi “quan sát” gà, lợn nhà hàng xóm, để tối ăn trộm. Em đã từng bỏ nhà ra tận Nam Định mua thuốc về bán lẻ cho mấy thằng nghiện trong xã. Mua một tép 20.000 đồng, thì về bán 50.000 đồng. Từ một thanh niên hiền lành ngoan ngoãn, em trở nên hung hãn, không sợ ai”, Ly kể.
Trốn chạy
Biết ma túy đã ngấm sâu vào cơ thể, biết nếu cứ ở quê làm “đại ca” và hút chích cùng các “chiến hữu”, không sớm thì muộn mình sẽ chết vì nhiễm HIV. “Nhưng trốn chạy ma túy bằng cách nào? Bao câu hỏi đặt ra, em trả lời được nhưng không thực hiện được. Lúc đó, gia đình, mẹ, các cậu, các dì chẳng ai còn tin em nữa. Cuối cùng em đã bỏ quê vào Vũng Tàu với hy vọng làm lại cuộc đời”.
Ly đã xin vào làm nhân viên chạy bàn cho một nhà hàng tiệc cưới với tháng lương khởi điểm 2,7 triệu đồng/tháng. Hàng trăm lần tự hứa với lòng cai nghiện, song những cơn thèm thuốc luôn ám ảnh trong đầu Ly.
“Bao tiền lương, em dùng mua thuốc hết. Không đủ tiền chơi hàng trắng, em chơi “đá”. Dùng “đá” ảo giác vô cùng. Trong đầu lúc nào cũng bứt rứt, cũng có ảo ảnh, không nhận biết được cái gì phải, cái gì trái. Lúc chưa chơi thuốc, em tỉnh táo lắm. Nhưng khi lên cơn, thì bao lời tự hứa không còn. Hàng nghìn lần em tự hứa chơi xong lần này là bỏ, nhưng càng hứa càng chơi, càng lún sâu.
“Lúc lên cơn nghiện “đá”, em làm gì để không ảo giác?” - tôi hỏi. Ly trả lời: “Em chạy vào rửa mặt. Nhiều bữa, đang chạy bàn tiệc, em lên cơn. Em phải chạy vào nhà vệ sinh rửa mặt và ngồi trong đó 30 phút cho tỉnh lại…”.
Với hy vọng khi có gia đình riêng sẽ tỉnh ngộ và giã từ ma túy, cuối năm 2011, Ly cưới vợ và hơn một năm sau sinh con gái. “Nghĩ tưởng có vợ, con, thì sẽ bỏ được ma túy, nhưng không, đêm nào cũng có bọn nó đến gõ cửa mua thuốc. Em đã bỏ lên Sài Gòn để xa đám bạn xấu, nhưng lên đó em lại càng lún sâu hơn. Nhiều lần em muốn đập đầu vào tường chết cho xong, song cứ nghĩ đến con gái bé bỏng, em lại muốn đứng dậy làm lại cuộc đời. Cuối cùng, em đã quay về với vợ con. Nhưng thực ra, chỉ ở với vợ được vài bữa, hết thuốc em lại bỏ nhà đi. Vợ chồng đánh nhau như cơm bữa. Nhà có cái xe máy, em đem cắm 17 lần lấy tiền hút. Bây giờ nghĩ lại, thấy không thể chấp nhận được”.
Bài toán hoàn lương
Hoàn lương quay về với vợ con hay theo ma túy? - Đó là bài toán có hai con đường mà Ly phải chọn một. Nhưng quay về với vợ con bằng cách nào, khi chưa cai nghiện được? Trả lời câu hỏi ấy quá khó đối với một người nghiện 12 năm như Ly.
Sau nhiều đêm vật vã, đấu tranh tư tưởng, một là có vợ, còn con, hai là theo ma túy, cuối cùng, Ly cũng tìm ra hướng đi đúng đắn cho đời mình.
“Nghĩ đến con gái, em chỉ muốn khóc. Em biết chính em đã gây ra tội lỗi chứ không đổ cho vợ em được. Mọi nguyên nhân, đánh nhau, cãi nhau như cơm bữa đều do em gây nên. Bây giờ em mới hiểu, ma túy đang hủy hoại cuộc đời và gia đình em. Khi tỉnh táo cứ nghĩ cai nghiện đơn giản, nhưng thực tế quá khó đối với em. Em đã quyết tâm rồi, em phải hoàn lương để về với vợ, con”.
Để xa đám bạn xấu, Ly theo người cậu ruột đưa đi tận Bình Phước để cai nghiện. Công việc của Ly là làm phụ hồ với tiền công 170.000 đồng/ ngày. “Ở chỗ làm hồ cũng có mấy thằng nghiện ma túy. Em nhìn là biết ngay”. “Em có chơi không?”. “Không. Em đã quyết rồi. Ở trên này cô đơn lắm. Lúc nào em cũng nghĩ về vợ con. Em thương con gái còn nhỏ quá”.
Để quên ma túy, trước giờ làm hồ, sáng sớm Ly chạy bộ, tập võ, và cắt tất cả các số điện thoại di động, chấm dứt liên lạc với bạn bè, trừ vợ con.
“Anh biết không, người nghiện nhìn thấy nhau là biết, nó như một kiểu dấu hiệu riêng. Có nhiều đêm, điện thoại của em đổ chuông, ai đó cứ nói em có hút không, có chích không. Lúc đó nếu không làm chủ được mình, sẽ vùng dậy đi ngay. Em tập thói quen, cứ ai nói đến ma túy, hút hít là em lại đem ảnh con gái ra coi. Lúc đó tự dưng em thương con em, em nghĩ đến gia đình đang ở phía trước, vậy là vượt qua. Em rút ra một kinh nghiệm, người nghiện, để điện thoại rất nguy hiểm. Mình không tìm đến nó, nhưng mấy thằng nghiện nó sẽ tìm đến mình. Tốt nhất là cắt điện thoại”.
Từ một con nghiện gầy đét chưa đầy 40kg, Ly đã bỏ cắt được cơn nghiện ma túy và tăng 17kg. “Mặc dù giữa rừng sâu, nhưng nếu mình muốn vẫn có ma túy đem tới tận nơi. Khi hoàn toàn tỉnh táo, em nghĩ tất cả là do mình có bản lĩnh từ bỏ hay không thôi. Nói thì dễ, nhưng thực hiện khó vô cùng”.
Điểm tựa cho chồng giã từ cái chết
Quá đau khổ với người chồng nghiện ngập. Lưu - người vợ trẻ đã ba lần viết đơn gửi tòa án xin ly hôn, song tình yêu cứ níu kéo. “Ai có chồng nghiện ma túy mới hiểu được nỗi khổ đau. Ba lần viết đơn ly hôn, ba lần em tự tay xé. Mỗi lần nhìn con gái bé bỏng, em lại nghĩ tới anh ấy. Nếu em ly hôn thì dễ rồi, nhưng con gái em sẽ không có ba nó”.
Ngày trở về gặp vợ con sau gần hai năm tự cai nghiện tận rừng sâu Bình Phước, Ly đưa cho vợ 5 triệu đồng, nước mắt rưng rưng: “Em hãy tha thứ cho anh lần cuối. Giờ anh rất cần mẹ con em bên cạnh để đứng lên làm lại cuộc đời”. Không nỡ từ bỏ người chồng biết ăn năn hối cải, Lưu đã đồng ý đưa con gái hơn một tuổi về sống chung với chồng.
“Em cũng tin tưởng anh Ly là người có bản lĩnh, biết đứng dậy làm lại cuộc đời. Trước đây, anh ấy chưa bao giờ giặt đồ cho con, nay thì siêng năng. Sau giờ làm hồ về, anh nấu cơm cho vợ, tắm cho con. Hiện tại anh Ly làm hồ cho một công ty xây dựng được 170.000 đồng/ngày. Đầu tháng 12, anh ấy sẽ làm giày da cùng cơ quan em. Em hiểu, người nghiện luôn cần sự cảm thông, chia sẻ. Họ rất sợ bị xa lánh”.
Khi tôi hỏi “ra đường có gặp đồng bọn không?”. Ly cười, chỉ tay vào con gái hơn một tuổi trả lời: “Bây giờ đồng bọn của em là đây này. Bây giờ, sau mỗi ngày đi làm về, hạnh phúc nhất là cùng vợ nấu ăn, chơi với con gái. Tuy còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng em tin vào bản lĩnh của em sẽ vượt qua được”.
Theo Lao Động