Ngày 23/12, tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 30CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tổ chức ở TP.HCM, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) nhận định cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá rất phức tạp và manh động kể cả ngày đêm, đặc biệt vào những tháng giáp Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 10.000 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu, số lượng thuốc lá lậu bị tịch thu lên đến 10,3 triệu bao. Cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 179 vụ, 263 bị can và xử phạt với số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Các địa phương là điểm nóng buôn lậu thuốc lá là Long An, TP.HCM, Tây Ninh, An Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị…
Phân tích nguyên nhân, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết do lợi nhuận từ thuốc lá lậu mang lại rất lớn, gấp 2-3 lần so với thị trường trong nước.
Ngoài ra, do đời sống người dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có việc làm ổn định, nhận thức pháp luật hạn chế nên bị các đối tượng móc nối, mua chuộc tham gia vận chuyển hàng lậu. Tình trạng thuốc lá lậu được bày bán công khai ở các nhà hàng, quán nhậu, tạp hóa nhỏ lẻ… rất khó kiểm soát.
Một đối tượng buôn thuốc lá lậu bị bắt giữ. |
“Các đối tượng buôn lậu thường hoạt động vào ban đêm, trong khi lực lượng phòng chống buôn lậu mỏng, phương tiện chuyên dùng yếu, công cụ hỗ trợ và kinh phí hoạt động không đủ để đáp ứng cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống buôn lậu”, bà Mai nói.
Theo lãnh đạo ngành hải quan, trên các tuyến đường bộ, đường biển và hàng không quốc tế, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp. Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng chính sách ưu đãi với hàng hóa khu kinh tế cửa khẩu, miễn thuế đối với cư dân biên giới, khách du lịch, kho ngoại quan…; lợi dụng đường mòn lối mở, đêm tối, các đối tượng đã vận chuyển một lượng lớn hàng hóa vào nội địa tiêu thụ, không khai báo hải quan.
Ðể công tác đấu tranh chống buôn lậu tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389, cho rằng thời gian tới, cơ quan chức năng cần làm quyết liệt, thường xuyên chứ không phải chọn những tháng cao điểm cuối năm, lơ là những tháng giữa năm, tạo cơ hội cho các đầu nậu buôn lậu.
“Phải quy trách nhiệm đối với người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tình trạng buôn lậu xảy ra mới mong có hiệu quả”, ông Hải nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau một năm thực hiện Chỉ thị 30 CT-TTg, đã tạo được niềm tin cho người dân, xóa bỏ những tồn tại và bất cập trong cuộc chiến chống buôn lậu lâu nay. Tuy nhiên, các bộ - ngành, địa phương cần quyết liệt hơn, thực hiện tốt công tác phòng chống cả “từ bên ngoài vào, bên trong ra”.
Những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu sẽ phức tạp, vì thế cần mở nhiều đợt cao điểm, tấn công mạnh hơn vào hang ổ của các nhóm buôn lậu.
“Lực lượng đấu tranh chống buôn lậu phải trong sạch, người dân mới tin, mới ủng hộ. Qua đây, Ban Chỉ đạo 389 cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử một số vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, trong đó có thuốc lá để răn đe”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Có chứa chất diệt chuột
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho biết hiện nay trong các gói thuốc lá lậu chứa một lượng lớn courmarin (chất diệt chuột), gây yếu sinh lý, vô sinh và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng người tiêu dùng không hề biết.
Theo Zing