Xét xử lưu động được xem là hình thức xét xử công khai với mức độ rộng rãi hơn tại trụ sở tòa án với mục đích được nhiều vị thẩm phán nói rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tham dự phiên tòa, qua đó giáo dục pháp luật trong cộng đồng.
Nhưng theo tôi, xét xử lưu động chẳng qua là tàn dư của tư duy phong kiến. Nó gây tốn kém tiền của và nhiều hệ lụy khác mà không thể đong đếm. Nhiều người từng là thẩm phán hay cán bộ tòa cũng nhận thấy xét xử lưu động không còn hiệu quả, không đạt được mục đích chính là “tuyên truyền, giáo dục pháp luật” mà chỉ thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của người dân.
Với các bị cáo, dù phiên tòa có thể chưa bắt đầu nhưng bị cả "biển người" bàn tán cũng coi như đã nhận bản án sớm. Có nghi can ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tự tử ngay trước khi ra phiên tòa xét xử lưu động được mở. Có bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng nhưng biết bị xét xử lưu động đã bỏ trốn. Nhiều người nhà bị cáo từng đề nghị tòa đừng đưa ra vụ án xét xử lưu động tại địa phương vì họ rất xấu hổ, ảnh hưởng việc sinh sống sau này.
Chưa kể trong quá trình thẩm vấn, có vụ người nhà nạn nhân vì bức xúc cầm dao lao vào đâm bị cáo trước vành móng ngựa, có vụ gây náo loạn khiến nhà chức trách phải huy động cả một trung đoàn cơ động đến giải vây cho HĐXX... Bên cạnh đó, tính uy nghiêm của một phiên tòa bị giảm đi ít nhiều tại các phiên xử lưu động khi âm thanh, phông màn đều tạm bợ...
Phiên tòa xét xử lưu động tại Trung tâm văn hóa huyện Văn Yên, Yên Bái. |
Tôi tra cứu cả Hiến pháp lẫn Bộ luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn của TAND Tối cao không thấy có quy định nào về xét xử lưu động. Bộ luật Tố tụng hình sự mới vừa được Quốc hội thông qua cũng không có. Vậy tòa án căn cứ vào quy định nào của pháp luật để xét xử lưu động? Trong khi đó, ai cũng biết nguyên tắc có tính pháp chế là cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp (tòa án) chỉ làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm như đối với công dân.
Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người nếu xét từ khía cạnh pháp quyền thì còn vi phạm quyền con người mà Hiến pháp đã ghi nhận.
Nếu cho rằng thông qua phiên tòa, tòa án còn có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật nhưng có nhất thiết chỉ xét xử lưu động mới tuyên truyền pháp luật được đâu. Không có phương pháp nào tuyên truyền pháp luật có hiệu quả hơn là tòa án hãy xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Mấy chục năm nay ngành tòa án đã tổ chức xét xử lưu động, nhưng chưa ai tổng kết, đánh giá tác dụng của xét xử lưu động như thế nào, ngoài việc lấy đó là tiêu chí bình xét thi đua.
Theo VNE