Sa lưới vì tiêu thụ tân dược bằng...bột mì!

Thứ sáu, 29/01/2016, 11:12
Cặp vợ chồng chở tân dược giả được làm từ bột mì đi tiêu thụ thì bị Công an TP.HCM bắt quả tang.

Ngày 28-1, VKSND Cấp cao tại TP.HCM, cho biết vừa ký kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng án đối với Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (SN 1981) và Trần Đăng Trường (SN 1979, chồng Quỳnh) về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Ngoài ra, kháng nghị còn yêu cầu tịch thu xe hơi, máy móc là công cụ sản xuất, vận chuyển thuốc giả đi tiêu thụ.

Công ty Ngân Sơn Thịnh (trụ sở quận 12) do vợ chồng Quỳnh lãnh đạo có chức năng kinh doanh 18 ngành nghề trong đó có sản xuất, buôn bán thuốc, máy móc và bao bì phục vụ ngành tân dược.

Từ tháng 6-2013, vợ chồng Quỳnh mua những loại thuốc rẻ tiền sau đó cho vào khuôn dập thuốc thành viên rồi in nhãn hàng thuốc ngoại tung ra thị trường với giá cao. Về sau, họ còn trộn bột mì, bột kết dính, thuốc rẻ tiền thành hỗn hợp rồi ép thành viên sau đó dán logo các hãng thuốc ngoại đắt tiền mang đi tiêu thụ.

Chiều 11-3-2014, vợ chồng Quỳnh đang chở thuốc giả đi tiêu thụ thì bị Công an TP.HCM bắt quả tang cùng tang vật là 60 hộp thuốc giả. Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt Trường 3 năm tù còn Quỳnh được tuyên 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Trường còn bị thêm một năm tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Xét thấy mức án dành cho Trường và Quỳnh về tội làm giả thuốc chữa bệnh là quá nhẹ nên VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị tăng án.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định: “Các bị cáo đã tổ chức, sản xuất, tiêu thụ một lượng lớn tân dược giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, gây hoang mang cho nhân dân. Hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nhưng tòa sơ thẩm áp dụng không đúng quy định để xử phạt nên xử không nghiêm, không có tác dụng đấu tranh phòng chống tội phạm, gây bức xúc trong dư luận”

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích