Sáng 25/3, tại tỉnh Bình Dương, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, chủ trì hội nghị liên quan đến công tác phòng chống tội phạm vùng giáp ranh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Phức tạp tội phạm sử dụng hàng nóng, cho vay nặng lãi
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua, Công an TP theo dõi và bắt nhiều băng nhóm sử dụng hàng nóng ngay trước khi chúng có ý định sử dụng vũ khí gây án.
Dù vậy, Thiếu tướng Minh cảnh báo công an phát hiện ra một số băng nhóm giang hồ khác đến từ phía Bắc đang trú ẩn tại TP HCM, trong đó có những người vừa mới ra tù được đồng bọn thuê căn hộ cho ở. Các băng nhóm này có hàng chục người hành nghề cho vay nặng lãi, tàng trữ vũ khí nóng hoặc vũ khí thô sơ dùng để đòi nợ. Chúng có thể dịch chuyển sang các tỉnh lân cận khi bị Công an TP.HCM “sờ gáy”.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (C45B) - Bộ Công an, tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hiện đã lên danh sách quản lý, theo dõi hàng chục băng nhóm với hàng trăm kẻ tham gia. Trong đó có cả những băng hành xử theo kiểu “xã hội đen”. C45B nhận định hoạt động của các băng nhóm trong lĩnh vực “tín dụng đen” vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Điển hình, khi kiểm tra chung cư Samland và Giai Việt tại quận 8, TP.HCM, công an phát hiện 28 người không đăng ký tạm trú, 1 khẩu súng quân dụng và nhiều giấy tờ nghi liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Ở một chuyên án khác, Công an TP HCM cũng phát hiện Nguyễn Mạnh Dũng (tự Dũng “sắt”, người gốc Hà Nội, là người tham gia tổ chức đánh bạc) cất giữ 1 thanh đao, 2 thanh kiếm, 1 khẩu súng hộp quẹt dạng rulô.
Lực lượng trinh sát Công an quận Tân Phú (TP.HCM) bắt một người cướp giật tài sản. |
Hiện tượng các băng nhóm thanh toán lẫn nhau còn xảy ra nhiều, có băng ra tay rất dã man. Đơn cử như ngày 6/3, tại một cây xăng ở quận Gò Vấp, TP.HCM, do mâu thuẫn từ trước, nhóm 8 người đã dùng dao tấn công nhóm 4 người khác làm Bùi Hoàng Thiên Phương (17 tuổi) bị đứt lìa bàn tay.
TP.HCM làm căng, tội phạm sẽ dạt về các tỉnh
“TP.HCM đang muốn kéo giảm tội phạm xuống 50%, chắc chắn tội phạm sẽ dạt về Bình Dương” - đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nhận định. Đại tá Chính đề xuất công tác trao đổi thông tin giữa các tỉnh thành giáp ranh nên làm tốt hơn. Hiện ở khu vực Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Đức (TP.HCM) có một vài băng nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe máy với tốc độ chóng vánh. Xe trộm xong trong vòng một buổi có thể đã đưa qua Campuchia tiêu thụ.
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, tội phạm có tính lưu động rất cao. Buổi sáng chúng có thể gây án ở miền Trung nhưng cuối ngày đã xuất hiện ở miền Nam. TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương là nơi phát triển mạnh về kinh tế nên tội phạm từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây, thậm chí từ nước ngoài cũng tìm về đây ẩn nấp hoạt động. Đặc biệt, các băng nhóm tội phạm hiện nay ít tranh giành, gây sự chú ý mà có xu hướng thỏa hiệp để chia địa bàn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, từ các vụ án mà cơ quan công an triệt phá cho thấy tính liên kết của tội phạm cũng đang gia tăng, trộm cắp liên kết với những người chuyên tiêu thụ, chúng cướp giật không hoạt động riêng lẻ mà hình thành đường dây.
Với những biểu hiện của tội phạm ngày càng tinh quái, chuyên nghiệp như trên, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng yêu cầu công an vùng giáp ranh phải thắt chặt phối hợp, đánh giá, sàng lọc địa bàn và gửi thông tin về Tổng cục Cảnh sát để có phương án tác chiến phù hợp.
“Trước mắt, đề nghị tập trung vào nhóm cướp giật, trộm cắp, đâm chém, tiêu thụ tài sản. Phải giải quyết triệt để, xử lý như thế nào để cuộc sống người dân bình yên” - Thiếu tướng Hùng chỉ đạo.
Thiếu tướng Phan Anh Minh: TP.HCM không triển khai được mô hình hiệp sĩ
Vừa qua, tôi đã yêu cầu Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc (PV28 - Công an TP.HCM) tới Bình Dương trao đổi những cơ sở pháp lý của mô hình CLB Phòng chống tội phạm để về xem xét áp dụng cho TP.HCM. Hiện TP.HCM có 4-5 nhóm “hiệp sĩ đường phố” tự phát.
PV28 sau khi đi Bình Dương đã báo cáo rằng: “Do Bình Dương chủ động, sáng tạo chứ bây giờ làm cái này là không có một quy định nào hết”. Mô hình CLB Phòng chống tội phạm của Bình Dương hay nhưng TP.HCM triển khai không được vì địa vị pháp lý của “hiệp sĩ” không rõ ràng. Họ có thể vì lòng tốt mà làm quá lố dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí họ có thể bị lợi dụng làm chuyện có hại.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương: “Hiệp sĩ” có địa vị pháp lý hẳn hoi
Năm 1997 và năm 2013, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành 2 quyết định kèm theo quy chế hoạt động của mô hình CLB Phòng chống tội phạm. Tôi là người chấp bút, tham mưu tích cực để ban hành 2 quyết định trên nhằm đưa mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương phát triển mạnh và gây tiếng vang như bây giờ.
Mô hình CLB Phòng chống tội phạm của Bình Dương đã có địa vị pháp lý hẳn hoi. Quyết định mà lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương ký được Sở Tư pháp thẩm định. Việc phát triển mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương luôn có sự giám sát hướng dẫn của lực lượng công an, nhờ đó giảm thiểu được mặt trái và phát huy được mặt có lợi cho dân.
Theo NLĐ