Sau khi nghe tin bà Đoàn Thị Niềm, chủ cơ sở thu mua, nhận ký gửi nông sản (thôn 4, Ia Krái, Ia Grai, Gia Lai) nộp đơn vỡ nợ, nhiều người dân trong xã Ia Krái đang ký gửi nông sản nhà bà Niềm hoang mang, kéo đến đòi nợ.
Công an địa phương thì cho rằng đây chỉ là vụ việc dân sự, khiến người dân càng hoang mang. Nhiều người kéo sang nhà bà Niềm để đòi nợ, lấy tài sản mong gỡ lại chút gì đó nhưng họ lại bức xúc hơn khi các tài sản đưa ra gán nợ được ép giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Công an xã cũng yêu cầu người dân ký vào giấy gán nợ.
Bà Nguyễn Thị Vân (thôn 4, Ia Krái) kể, nghe bà Niềm năn nỉ, gia đình bà Vân đã cho bà Niềm mượn 5 tấn cà phê nhân. “Tôi nghĩ bà Niềm là hàng xóm, lại là đồng hương nên tôi mới cho bà ấy mượn. Bà ấy nói cà phê nhân nhà tôi đẹp, cho bà mượn về trộn với cà phê nhà bà để bà bán cho cao giá, vì cà phê nhà bà ấy đen, xấu, bán giá thấp. Bà năn nỉ mãi tôi mới cho mượn. Ai ngờ bà đi lừa nhà tôi”, bà Vân bức xúc.
Khi sang nhà bà Niềm siết nợ, bà Vân cho biết: “Cái quạt hoen gỉ và xe rùa này bán không biết được 500 nghìn không nhưng bà Niềm gán cho tôi giá 10 triệu đồng; cái dây kéo băng chuyền mua mới có 30 triệu đồng, nhà bà dùng không biết mấy năm rồi mà giờ hô giá 100 triệu để gán nợ. Khi chúng tôi không đồng ý với giá này thì ông Nguyễn Ngọc Đoài - Phó Trưởng Công an xã yêu cầu chúng tôi phải ký vào giấy định giá này thì chúng tôi mới được lấy đồ. Giờ chúng tôi không biết làm sao”.
Dây kéo băng chuyền được gán nợ với giá 100 triệu đồng. |
Ông Nguyễn Công Nam cho biết, gia đình ông đang ký gửi nhà bà Niềm hơn 11 tấn cà phê nhân, với giá hiện tại là khoảng 400 triệu đồng. Khi ông Nam đến đòi nợ, bà Niềm gán cho ông 1 miếng đất rộng 5m (chưa rõ chiều dài) với giá 200 triệu đồng. “Ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, ruộng vườn nhà nào cũng rộng rãi, đất khô cằn để hoang vậy mà bà hét giá trên trời như vậy. 1 lô đất bà hét giá 3 tỷ cho 12 người nhận”, ông Nam ngao ngán.
Điều khiến người dân bức xúc hơn là chính công an lại "ép" người dân phải chấp nhận mức giá trên trời đó, ký vào giấy gán nợ.
Cũng theo người dân, trước khi nộp đơn xin vỡ nợ, gia đình bà Niềm đã có 1 loạt động thái “kỳ quặc” như: tổ chức thu mua, nhận ký gửi cà phê, điều của rất nhiều người với lý do “lấy cà phê mới trộn với cà phê thối cho dễ bán”. Toàn bộ hơn 200 tấn cà phê nhân của người dân ký gửi tại kho của bà Niềm được gia đình bà này mang bán sạch. Sau đó bà Niềm đã mang tiền vào ngân hàng trả nợ, rút bìa đỏ nhà đất đang thế chấp ra để sang tên cho người thân. Ngoài ra, chiếc xe ôtô bà này đứng tên cũng được làm giấy tờ sang lại cho người thân…
Chiếc quạt điện này được gán nợ với giá gần... 10 triệu đồng |
“Trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Niềm đi thu mua và bán rất nhiều điều, cà phê. Chúng tôi đi đến những nơi bà này cân, bán thì được biết số tiền bà bán điều, cà phê của chúng tôi lên đến cả chục tỷ đồng. Tài sản chúng tôi ký gửi cho bà ấy, có trả tiền ký gửi chứ không phải bán nên bà ấy không có quyền bán tài sản của chúng tôi. Tại sao công an không làm rõ điều này? Đây là lừa đảo chứ không phải là dân sự nữa”, người dân xã Ia Krái bức xúc.
Một cán bộ huyện Ia Grai cho biết, trước khi bà Niềm tuyên bố vỡ nợ khoảng 3 ngày, bà này đã mang tiền đi trả nợ ngân hàng và yêu cầu cơ quan ông xóa thế chấp cho gia đình bà. Sau khi xóa thế chấp, bà này đã làm giấy trao, tặng tài sản cho người thân. Hiện toàn bộ tài sản cho tặng và hồ sơ về vấn đề này cơ quan ông vẫn đang giữ.
Trước việc người dân phản ánh công an yêu cầu dân ký giấy gán nợ với tài sản giá trên trời, ông Đoài nói: “Hai bên thỏa thuận với nhau thì nhờ ông ký xác nhận”. Khi chúng tôi yêu cầu được xem giấy gán nợ mà ông Đoài đang giữ bản gốc của người dân thì ông này bỗng nói giọng gay gắt: “Em cứ nói không biết luôn, ok luôn, quên luôn”, rồi tức giận bỏ đi.
Trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Niềm (áo len sọc xanh, đỏ) đã có nhiều động thái "kỳ quặc" |
Lý giải cho thái độ của ông Đoài, ông Lý Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krái phụ trách mảng an ninh - cho rằng do phóng viên “hỏi không tế nhị” (!). Cũng theo lời ông Hoàng thì gia đình bà Niềm đã thanh toán được cho người dân 4,8 tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai - cho biết, Chủ tịch huyện đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu công an huyện vào cuộc điều tra vụ việc trên.
Theo Văn phòng Luật sư Bình Minh (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai), hiện tượng chủ doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê, vay mượn cà phê rồi tuyên bố phá sản, coi như “huề cả làng”, không thể xử lý hình sự được, đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Một số trường hợp do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán là có thật. Tuy nhiên, không ít trường hợp có sự tính toán từ trước, cố tình dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tài sản người khác ký gửi, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không xử lý hình sự được. Theo quy định của pháp luật, hành vi vay mượn, ký gửi tài sản hợp pháp rồi dùng thủ đoạn để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp hoặc có tài sản nhưng không chịu trả, tìm cách để chuyển hóa tài sản dưới mọi hình thức, được xem có dấu hiệu tội phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 175 BLHS. Cũng theo Văn phòng Luật sư Bình Minh, để có thể vạch trần được hành vi phạm tội của các đối tượng dùng thủ đoạn rất tinh vi, đòi hỏi cơ quan điều tra phải thật sắc sảo, quyết liệt. Ví dụ, một chủ doanh nghiệp đã thua lỗ, mất khả năng chi trả nhưng vẫn cố tình tiếp tục vay mượn, nhận ký gửi tài sản dù biết chắc không thể trả được khoản nợ này, là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước. Bên cạnh đó, việc vay mượn, cho ký gửi tài sản hợp pháp nhưng không trả lại trong nhiều trường hợp vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “Sử dụng tài sản ký gửi khi chưa được sự đồng ý của người ký gửi ” theo điều 175 BLHS. |
Theo Dân Trí