Cần 'vòng kim cô' cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Thứ bảy, 01/04/2017, 08:41
Tội phạm liên quan đến tình dục phải bị cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em, phải theo dõi và công khai tên tuổi, danh tính.  
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại, quấy rối trẻ em được phát hiện nhưng việc xử lý còn hạn chế do có những khoảng trống trong luật pháp về bảo vệ trẻ em.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Hồng Lan, pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em…

Đưa ra kiến nghị một cách cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng làm rõ khái niệm dâm ô tại điều 146 BLHS 2015 để có thể đảm bảo việc xác định tội danh này cũng như  giúp ích cho việc điều tra, thu thập chứng cứ.

Theo các chuyên gia, khái niệm dành cho hành vi “dâm ô” là chưa có trong các quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý thì đây vẫn là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để áp dụng trong thực tế xét xử hành vi của loại tội phạm này.

Kiến nghị chính sách sửa đổi các tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Lê Luân, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) đề xuất sửa đổi và quy định cụ thể, chi tiết 4 loại tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em đối với hành vi “dâm ô” - hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Đó là hành vi chủ đích gặp trẻ em với mục đích dâm ô; có chủ ý khiêu dâm với trẻ; chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục; chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Mặt khác, cần nâng khung hình phạt đối với tất cả các hành vi xâm hại.

Luật sư Luân cũng đề xuất, các tội phạm có tội danh liên quan đến tình dục phải bị cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em, phải theo dõi và công khai tên tuổi, danh tính trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn với trẻ em sẽ bị bắt giam trở lại (hoặc thiến hóa học).

Đáng chú ý, để thu thập chứng nhiều ý kiến đề xuất tham khảo cách thu thập chứng cứ của nước ngoài, thậm chí là dùng cách bẫy người thực hiện hành vi để bắt quả tang. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci cho rằng, việc “gài bẫy” để bắt tội phạm sẽ khó khăn nếu như 4 tội danh nêu trên không được đồng ý đưa vào luật.

Theo An Ninh Thủ Đô

Các tin cũ hơn