|
Phiếu thu tiền chữa viêm niệu đạo của anh V. |
Anh H.T.V. (ngụ tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ảnh ngày 19-4, anh đến phòng khám đa khoa Minh Châu vì bị tiểu gắt, tiểu buốt.
Mỗi ngày nói bệnh khác nhau ?
Anh V. được hướng dẫn siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu và phải đóng 1.080.000 đồng. Theo anh V., cả bác sĩ siêu âm và bác sĩ lấy dịch niệu đạo cho anh đều nói tiếng Trung Quốc.
Sau đó, thông qua người phiên dịch, anh V. được bác sĩ thông báo anh bị viêm tuyến tiền liệt nặng và sùi mào gà.
Anh V. được thông báo chữa bệnh sùi mào gà bằng cách đốt và truyền dịch từ 7 đến 10 ngày với giá mỗi ngày từ 2 triệu đồng trở lên. Với bệnh viêm tuyến tiền liệt, anh V. được ra giá: thuốc nội 4,8 triệu đồng, thuốc ngoại 6,8 triệu đồng.
Vì số tiền lớn nên anh V. chỉ đồng ý chữa bệnh viêm tuyến tiền liệt với giá thuốc nội. Anh V. đã được truyền dịch, làm thủ thuật thông tiểu.
Thế nhưng đơn thuốc anh V. phải trả cho phòng khám này không phải 4,8 triệu mà thành 6.014.300 đồng. Số tiền 4,8 triệu chỉ là tiền phí tiểu phẫu, anh V. phải trả thêm tiền truyền dịch 3 chai nước hơn 1 triệu đồng.
Do không có đủ tiền, anh V. chỉ đóng 4 triệu đồng cho phòng khám và phải nợ hơn 2 triệu đồng nên anh V. phải thế chấp giấy chứng minh nhân dân.
Như vậy, tổng cộng anh V. phải trả cho phòng khám Minh Châu hơn 7 triệu đồng.
Sáng hôm sau, anh V. đem tiền đến phòng khám Minh Châu trả để lấy lại chứng minh nhân dân. Lúc này anh mới được trả kết quả xét nghiệm. Và anh rất bất ngờ khi biết chỉ bị viêm đường niệu đạo.
Anh V. gặp bác sĩ để hỏi thì được trả lời “viêm tuyến tiền liệt và viêm niệu đạo là một”.
Anh V. đi khám nơi khác thì được khẳng định anh không bị bệnh sùi mào gà còn bệnh viêm niệu đạo của anh chỉ hết vài trăm ngàn tiền thuốc.
Anh T.T.H. (ngụ TP.Vũng Tàu) kể cũng bị phòng khám Minh Châu lấy đến gần 15 triệu đồng cho việc cắt bao quy đầu.
Anh H. kể lúc đầu anh gọi điện đến phòng khám để hỏi chi phí cắt bao quy đầu thì được lễ tân trả lời nếu cắt bằng dao bình thường thì hết hơn 1 triệu, còn cắt hiện đại thì hơn 2 triệu.
Nhưng khi anh đến, bác sĩ nói tiếng Trung Quốc báo có 2 dịch vụ: loại thường 3,8 triệu; loại tốt, cắt bằng máy 6,8 triệu.
Để chắc chắn, người nhà anh H. hỏi lại 6,8 triệu đã bao gồm gì thì được trả lời đã bao gồm thay băng, vệ sinh trong 10 ngày sau khi tiểu phẫu.
Thế nhưng sau khi tiểu phẫu, anh H. phải trả thêm 1,6 triệu đồng tiền thuốc và gần 600.000 đồng tiền lấy máu, xét nghiệm máu.
Chưa hết, sau khi lột bao quy đầu, ba ngày liên tục anh H. đến thay băng phải trả tiền phí vệ sinh, thay băng mỗi lần gần 1,5 triệu đồng cũng như phải trả hơn 500.000 đồng tiền thuốc về uống.
Tổng cộng, anh H. đã phải trả cho phòng khám số tiền gần 15 triệu đồng.
|
Phòng khám đa khoa Minh Châu |
Bác sĩ đăng ký không có mặt
Theo tìm hiểu của PV, phòng khám đa khoa Minh Châu thuộc Công ty TNHH dịch vụ y tế Minh Châu do ông Văn Trung Mậu (sinh 1984, trú đường Sư Vạn Hạnh, P.10, Q.5, TP.HCM) đứng tên làm chủ. Tháng 4-2017, phòng khám Minh Châu được Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép hoạt động.
Theo phụ lục kèm theo giấy phép hoạt động, phòng khám Minh Châu đăng ký 10 người gồm: bảy bác sĩ, một kỹ thuật viên, một y sĩ và một nhân viên, trong đó người chịu trách nhiệm chuyên môn là bác sĩ Lê Thị Diệu Hồng (TP.HCM).
Cũng theo phụ lục này, tất cả 10 người của phòng khám làm việc từ 7h - 21h của cả 7 ngày/tuần và “không làm việc nơi khác”.
Tuy nhiên, mới đây, chiều 8-5, khi Phòng Y tế TP Vũng Tàu kiểm tra phòng khám này thì tất cả 10 người đăng ký đều vắng mặt. Phòng khám chỉ có một bác sĩ không có tên trong danh sách đăng ký trực.
Ngoài ra, phòng khám không có bảng niêm yết giá công khai, không cập nhật số lượng bệnh nhân theo quy định.
Có bác sĩ Trung Quốc không? Ngày 12-5, chúng tôi đã liên lạc với người đàn ông tên B. được cho là trợ lý của ông Văn Trung Mậu để làm việc. Ông B. giới thiệu chúng tôi đến phòng khám gặp ông Lê Đức. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Đức nói rằng người làm siêu âm là bác sĩ Trung Quốc để hỗ trợ kỹ thuật cho người Việt. Chiều 12-5, khi vẫn còn thời gian làm việc ghi trong phụ lục giấy phép, chúng tôi yêu cầu được gặp bác sĩ Lê Thị Diệu Hồng thì được trả lời “không có mặt”. Tiếp đó, chúng tôi yêu cầu gặp bác sĩ Hồ Lê Ân - người có tên trong danh sách, phụ trách khám, chữa bệnh chuyên khoa ngoại - thì được báo bác sĩ này đã nghỉ việc từ hôm qua (tức ngày 11-5). Chiều 15-5, chúng tôi liên lạc với ông Mậu. Khi được hỏi vì sao có bác sĩ Trung Quốc trong phòng khám Minh Châu, ông Mậu nói “đó là chuyện bình thường”. Sau đó, ông Mậu lại nói mập mờ, lúc nói có 2 bác sĩ Trung Quốc đang xin phép, lúc nói chưa có bác sĩ Trung Quốc, khi lại nói bác sĩ Trung Quốc đã được cấp phép rồi. |
Theo TTO