Giang hồ đòi nợ thuê - Bài 1: Ép nạn nhân đến... đường chết

Thứ ba, 23/05/2017, 08:14
L. “điên” (43 tuổi, quê Hải Phòng), từng tham gia nhiều băng nhóm đòi nợ thuê ở TP.HCM đã giải nghệ gần 5 năm nay. Đến giờ, L. “điên” vẫn kể vanh vách các thủ đoạn của giang hồ tín dụng đen, đòi nợ thuê. Kẻ từng bị miếng cơm manh áo đưa đẩy, nay đã hoàn lương, khẳng định: “Đó là những chiêu bẩn, không xứng danh giang hồ đúng nghĩa và không có hậu về sau”.

Bắt cóc, chém con nợ… chỉ là giang hồ vặt

L. “điên” giờ…gác kiếm, dạt về khu Thủ Đức phụ vợ buôn bán quán xá kiếm sống qua ngày nhưng được xếp vào thành phần…thạo tin xã hội. L. “điên” khẳng định, ở thời điểm hiện tại, giang hồ gốc Bắc đang làm “mưa gió” ở đất TP.HCM trong lĩnh vực cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, và cả việc đứng ra dàn xếp các việc tranh chấp dân sự, nhà cửa, đâm thuê chém mướn...

“Vụ việc hàng chục côn đồ xông vào nhà chém người, cẩu container bịt kín lối ra vào nhà mới đây ở quận Gò Vấp gây xôn xao, giang hồ đồn đại là có sự nhúng tay của đám gốc Bắc chuyên nghề tín dụng đen, đòi nợ. Nhìn tính chất vụ việc như thế, trong giới chỉ vài phút là biết được nhóm nào làm”, L chia sẻ kinh nghiệm.

L. “điên” cũng kể vanh vách các băng tín dụng đen có cả công ty hoạt động hợp pháp, thực ra là núp bóng cho vay nóng tinh vi. “Các băng nhóm hiện nay còn nhận thêm các hợp đồng đòi nợ thuê, thường thì 30 - 50% số tiền đòi được. Thậm chí, chúng mua “đứt” nợ rồi “tự lực cánh sinh” đi gặp con nợ để đòi”, L. “điên” nói thêm.

H. “máy chém”, (36 tuổi, quê Nam Định), một chiến hữu của L. “điên”, từng có thời gian hoạt động trong giới “tín dụng đen” ở TP.HCM tiết lộ, quá trình đòi nợ thuê của các băng nhóm hiện nay được thực hiện rất bài bản, có kế hoạch và khó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, mà vẫn hiệu quả. H. “máy chém” khẳng định: “Những băng nhóm hăm dọa, thậm chí bắt cóc con nợ để đòi tiền chuộc hay tìm đến tận nhà con nợ để đâm chém là trò…bẩn, không rành nghề. Anh em trong giới có số má đúng nghĩa khinh ra mặt”.

Bà T. ở quận Bình Thạnh từng tự vẫn nhưng không thành vì bị giang hồ “khủng bố”, dọa giết ngày đêm để đòi nợ.

Toan chết vì dính vào nợ nần giang hồ

Một nạn nhân từng suýt chết, gia đình nhiều năm lao đao, không một giấc ngủ yên vì dính phải các băng nhóm đòi nợ thuê là trường hợp bà Ngô Nguyễn Thuỵ T. (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh). Năm 2003, bà T. từng có đơn kêu cứu khắp nơi tường trình rõ sự việc nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa thoát khỏi “vòng kim cô” của băng nhóm côn đồ.

Trước đó, bà T. nhiều lần vay tổng cộng 230 triệu đồng, với 10%/tháng. Bà T. không hiểu chủ nợ tính thế nào mà giai đoạn năm 2015 bà đã chi trả lãi suất gần 1 tỷ đồng nhưng tiền vay gốc vẫn còn đó. Vì mất khả năng chi trả, nên từ đó gia đình bà T. khốn đốn với đám đòi nợ thuê.

Bà T. xác nhận ban đầu chủ nợ ủy quyền cho một công ty dịch vụ thu nợ trên địa bàn TP.HCM. “Họ giở đủ chiêu trò với gia đình tôi rồi kéo băng, kéo nhóm đến chặn trước cửa nhà, dọa chém giết tôi và người thân... Có lúc những kẻ bặm trợn khác còn xộc vào nhà toan đánh người, đập phá...” - bà T. nhớ lại và đến giờ vẫn bị ám ảnh. Suốt một thời gian dài bà T. bị trầm cảm, khủng hoảng tâm lý. Thậm chí có lần bà tự tìm cách tự tử, may mắn người nhà phát hiện, ngăn cản kịp thời.

B. (36 tuổi, quê Đà Nẵng) cũng từng có hai lần thực hiện ý định tìm đến cái chết bởi “dây” với đám cho vay nặng lãi. Từ một người có công việc ổn định nhưng vì “ham vui” với bạn bè, B. dính vào cá độ bóng đá và cờ bạc. Chỉ nửa năm trượt dài, B. “ôm” khoản nợ gần nửa tỷ đồng.

Ban đầu, chủ nợ còn “thong thả” để B. thu xếp và chi trả được 1/2 khoản nợ. Qua một thời gian, B. hết khả năng trả, chủ nợ liền “sang tay” số nợ của B. cho một nhóm giang hồ. B. kể, anh bị nhóm giang hồ buộc phải đóng lãi cao theo tuần, có lúc bị dồn ép theo ngày. Mượn đầu này, đắp đầu kia có những lúc B. thực hiện những cú lừa đảo để giải quyết khoản đóng lãi định kỳ.

B. tâm sự, đã hai lần đứng ở cầu Sài Gòn, quận 2 và cầu Phú Mỹ, quận 7 nhưng không đủ can đảm để giải thoát cuộc đời. Mới đây B. biệt tích không ai rõ tung tích, vợ con cũng chuyển đi nơi khác sinh sống mà không ai biết đi đâu.

Người thân của bà Nguyễn Anh Thảo ở quận Gò Vấp từng bị các đối tượng giang hồ nhiều lần truy sát vì trót dính vào… tín dụng đen

Thủ đoạn bẩn

Một vụ việc khác thể hiện sự “bẩn bựa” của giang hồ tín dụng đen, từng gây xôn xao dư luận là trường hợp bà Thảo (SN 1968, ngụ quận Gò Vấp). Đến nay vụ việc vẫn đang được Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM thụ lý điều tra, truy tìm người có liên quan là nghi can Phạm Thanh Khiêm (SN 1970, ngụ quận Gò Vấp).  Dù vụ việc tạm lắng nhưng bà Thảo vẫn còn ám ảnh.

Trường hợp của gia đình bà Thảo từng gây chú ý dư luận xã hội khi con trai của bà phải viết “tâm thư” trên facebook kêu cứu lãnh đạo Bộ Công an. Tuy nhiên, chuyện điều tra về những đòn bẩn của giang hồ giấu mặt là điều không dễ dàng, rất khó đưa ra ánh sáng.

Vụ việc được xác định xuất phát từ khoản vay 300 triệu đồng, lãi suất 15%/tháng của chồng bà Thảo với ông Khiêm. Thế nhưng theo tố cáo của bà Thảo, ông Khiêm đã ép chồng bà viết biên nhận nợ 1 tỷ đồng. Khi chồng bà Thảo mất khả năng chi trả có “xin” ông Khiêm được trả khoản nợ gốc.

Chồng bà Thảo đã chuyển 200 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng nhưng ông Khiêm cho rằng chưa nhận được và tiếp tục đòi nợ. Dù vợ chồng bà Thảo có yêu cầu ông Khiêm đến ngân hàng đối chứng nhưng ông này không ra mặt. Từ đó có nhiều kẻ lạ tìm đến nhà bà Thảo khủng bố tinh thần, uy hiếp gia đình của bà nhằm đòi nợ.

Bà Thảo nói: “Chuyện ném gạch đá vào nhà, rồi đập cửa đòi chém giết xảy ra thường xuyên. Hai đứa con của tôi trở thành mục tiêu tấn công của những người lạ đó. Rất khủng khiếp!”. Có những lần con trai (SN 1999) và con gái (SN 2001) của bà Thảo bị những đối tượng lạ tấn công bằng hung khí nguy hiểm như: dao, mã tấu… gây thương tích trên đường đi học. Cha chồng bà Thảo ở quận Bình Tân cũng bị các đối tượng lạ xộc vào nhà, dùng hung khí hành hung. Công an vào cuộc điều tra xác định được 5/9 các thành viên trong gia đình bà Thảo bị tấn công gây thương tích, trong đó bản thân bà Thảo bị thương tật 15%.

Một đòn bẩn khác mà giang hồ đòi nợ thuê hay sử dụng chiêu thức gây áp lực đòi tiền người nhà, bằng cách…bắt cóc con nợ. Theo L. “điên”, chiêu thức này gần đây được các nhóm đòi nợ thuê áp dụng nhiều và cách này dễ bị công an bắt giữ khi lần theo dấu vết của người đến nhận tiền từ gia đình nạn nhân. L “điên” kể thêm, hiện cách phổ biến vẫn là các nhóm đeo bám gia đình nạn nhân suốt 24/24, gây áp lực, đe dọa suốt cả ngày lẫn đêm. Và cách nữa là đe dọa nhắm vào những đứa con nhỏ để buộc cha mẹ phải tiền mọi cách xoay tiền, giải quyết sự việc chóng vánh.

T. “búa” (29 tuổi, quê Hà Nội) cùng một thành viên trong băng đòi nợ thuê hoạt động ở Gò Vấp vừa giải nghệ để làm tài xế đường dài kể, có lần T. “búa” và các thành viên được “đại ca” điều động gây áp lực với một doanh nhân ở quận 7 đòi khoản nợ 500 triệu đồng. Nếu thành công cả nhóm sẽ được 1/2 số tiền đó. Ban đầu, nhóm của T. “búa” kéo đến căn hộ của vị giám đốc lúc nửa đêm, đập cửa nói nhẹ nhàng, rồi dọa “xử” từng người trong nhà.

Vị giám đốc hứa hẹn nhưng một tuần sau vẫn không giải quyết được khoản nợ. Sau đó, nhóm của T. “búa” lên kế hoạch đi đến bước “khủng bố” tinh thần. Nhóm năm thành viên chia nhau đeo bám theo vị giám đốc và đứa con trai kể từ khi họ bước ra khỏi nhà đến lúc về nhà, rồi sau đó lảng vảng trước nhà.

Thậm chí nhóm T. “búa” còn đến tận trường chụp hình đứa con trai đang chơi đùa cùng bạn bè gửi qua mạng xã hội cho vị doanh nhân trên. Chỉ chưa đầy năm ngày sau, vị giám đốc lo lắng cho sự an nguy của gia đình, đành chủ động… liên hệ với chủ nợ xin trả tiền.

T. “búa” cho biết thêm, giang hồ cho vay nặng lãi, tín dụng đen có “trăm phương ngàn kế” bẩn. Đối với những con nợ khó đòi thì phải… ra tay mạnh, việc đâm chém, gây thương tích cho thành viên nào đó trong gia đình để gây áp lực đối với con nợ là bình thường. Tuy nhiên, theo T. “búa”, giang hồ đòi nợ thuê ngán nhất là đụng phải con nợ có “bảo kê” của các băng nhóm cùng nghề. Thường thì băng nào có địa bàn hẳn hoi của băng đó, nếu chẳng may “đụng mặt” thì sẵn sàng… huyết chiến.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn