Ẩn mình tinh vi
Theo một cán bộ của Đội phòng chống tội phạm có tổ chức thuộc phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, những băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn TP.HCM hiện nay đều chủ yếu dạt từ các tỉnh, thành phía Bắc. Thực tế các nhóm ở miền Nam không đủ bản lĩnh và “số má” bằng các nhóm này.
Cán bộ này nói rõ, hiện các băng nhóm giang hồ tín dụng đen, đòi nợ thuê thường núp dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ, các công ty cho vay tín chấp, gắn liền với các hoạt động bảo kê, cờ bạc qua mạng. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TP.HCM cũng hé lộ, nhiều vụ tấn công vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phát hiện đa phần các đối tượng có gốc từ miền Bắc, khi hoạt động tại TP.HCM trong lĩnh vực tín dụng đen, đòi nợ thuê còn có nhiều chiêu ẩn mình tinh vi.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an TP.HCM cho biết, nhiều băng nhóm giang hồ từ phía Bắc vào TP.HCM hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê |
Đại tá Quang phân tích, những năm vừa qua các đối tượng băng nhóm dạng này chủ yếu ẩn náu trong các chung cư cao cấp, có lúc thuê nhiều căn hộ liền kề nhau để tụ tập. Ở những chung cư này, người lạ muốn lên thì phải có sự đồng ý của người chủ căn hộ. Do đó việc điều tra, khám phá các băng nhóm dạng này đối với cơ quan Công an là điều không dễ dàng, phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau và tiến hành trong thời gian dài. Ngoài ra, loại hình tội phạm nói trên còn ẩn náu trong vỏ bọc là công ty, tiệm cầm đồ, nhìn bề ngoài hợp pháp nhưng sự thật là hoạt động tội phạm.
Cách đây không lâu, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM đột kích bất ngờ vào cùng một lúc 10 căn hộ ở 2 chung cư trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8. Tại các căn hộ này, công an đã phát hiện, tạm giữ khoảng hai chục tay anh chị đều là dân có máu mặt, gốc Bắc, đầy tiền án, tiền sự. Tại các căn hộ, khi công an khám xét còn thu giữ rất nhiều sổ sách, giấy tờ, hồ sơ thể hiện chúng cho rất nhiều người ở các địa bàn quận, huyện vay tiền với lãi suất cắt cổ. Các đối tượng này nằm dưới sự chỉ đạo của hai trùm, là “nữ quái” Nga và đối tượng Lai đều đến từ Hà Nội.
Các đối tượng liên quan vụ đâm chết người thuê chúng đòi nợ. |
Sẵn sàng sử dụng “hàng nóng”
Trước đó, phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM đã đột kích, triệt phá băng nhóm đòi nợ thuê, cho vay nặng lại giấu mình dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ Quỳnh Hồng ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp, được cầm đầu bởi trùm Nguyễn Văn Hồng (SN 1979) đến từ Hải Phòng. Khi đột kích tụ điểm này, công an thu giữ cả kho hàng nóng là súng và nhiều loại vũ khí tự chế khác. Sau đó công an làm rõ, đây là băng nhóm cho vay nặng lãi, với mức lãi suất 30%/tháng và đòi nợ theo kiểu giang hồ xã hội đen, nếu ai chậm thanh toán.
Thực tế là ổ nhóm tiệm cầm đồ Quỳnh Hồng hoạt động khá kín đáo, quy tụ toàn dân giang hồ tứ chiếng, là nỗi khiếp sợ của nhiều người dân, điểm kinh doanh nhưng ẩn mình khá tinh vi. Mãi đến khi Hồng cho một tay anh chị khác mượn súng gây ra vụ thanh toán ồn ào với băng nhóm khác ở huyện Hóc Môn thì mới bị công an chú ý đến và… sờ gáy.
Tay giang hồ đòi nợ thuê đã gác kiếm, là L “điên” như đề cập ở bài trước, thông tin thêm, các băng nhóm tín dụng đen, đòi nợ thuê bảo kê hiện đều có nhiều thành phần từ miền Bắc đến, đa phần là dân trốn nã và đang bị công an truy lùng gắt gao nên dạt vào miền Nam lánh nạn.
Thường thì giang hồ gốc Bắc có sự bảo bọc nhau khá tình nghĩa. L “điên” còn nói, nếu đụng độ với con nợ có máu mặt, hay các băng nhóm khác nếu chúng muốn an toàn, thì sẽ huy động giang hồ từ nơi khác “bay” đến, gây án nhanh và rút gọn không dấu vết. Nếu công an xác định được thì cũng rất khó khăn trong việc truy bắt.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) trong cuộc gặp gỡ lực lượng Cảnh sát hình sự cả nước mới đây, có đề cập vấn nạn giang hồ… áo cổ cồn, mà có thể hiểu là những đại ca giang hồ khoác áo doanh nhân có mối quan hệ với một số cán bộ thoái hóa biến chất. Thực tế như lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đề cập hiện không phải là hiếm mà đó là xu thế chuyển mình của giang hồ.
Giang hồ áo cổ cồn
H - quê gốc Nghệ An, một trùm dao búa từng làm mưa làm gió ở khu vực các bến xe vùng ven TP.HCM. Giới anh chị nhận định, đàn em dưới trướng của H. có thể lên đến hàng trăm người, trong đó có những kẻ “sát thủ” sẵn sàng xuống tay. Vài năm trước, hễ có đụng độ, H. trực tiếp dẫn đám lâu la “ăn thua” với đối thủ. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, H. trở thành doanh nhân thực thụ, giám đốc của công ty hoạt động đa ngành nghề như: Vận tải, bất động sản… lúc nào H. cũng áo vest phẳng lì, đi xế hộp bóng lộn… Những tay giang hồ thạo tin, có máu mặt hé lộ, H. giờ vẫn hoạt động mà mức độ kín đáo, chuyển sang một cấp độ khác, ẩn mình tinh vi để điều hành “đế chế” của mình ở mức an toàn nhất.
Băng nhóm giang hồ bắt cóc cô gái đòi nợ 300 triệu đồng bị Công an quận Tân Phú triệt phá giữa tháng 5. |
Một cán bộ công an cho hay, hiện tại nhiều cơ sở kinh doanh đều có quan hệ, “chi” hàng tháng cho các nhóm giang hồ bảo kê để sử dụng khi… hữu ích. Thực tế có không ít chủ cơ sở gắn mác giới kinh doanh nhưng thực chất là dân giang hồ núp bóng. Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú đã làm rõ vụ bắt cóc một cô gái để tống tiền 300 triệu đồng có vai trò chủ mưu của chủ một tiệm cầm đồ tại quận Bình Thạnh.
Cô gái này là K. (SN 1990, ngụ quận 9), khi được giải cứu đã khai báo, có nợ tiệm cầm đồ trên một khoản tiền nhưng không nhiều, thế nhưng không hiểu sao chủ tiệm tính toán kiểu lãi mẹ đẻ lãi con, cộng gộp thành 300 triệu đồng. Khi cô gái hết khả năng trả nợ thì chủ tiệm đã điều động một nhóm giang hồ bắt giam giữ K. tại một ngôi nhà trên đường Hồ Đắc Di, quận Tân Phú nhằm gây áp lực cho gia đình K. phải nộp 300 triệu đồng để chuộc K.
Trong cuộc họp báo định kỳ mới đây, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an TP.HCM thông tin, thực tế các băng nhóm giang hồ gốc Bắc vào TPHCM để kiếm sống bằng nghề tín dụng đen, đòi nợ thuê… trong nhiều năm qua có biến động, từ đây kéo theo tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp. Do đó lực lượng công an TP.HCM đã và đang kiểm soát, đấu tranh tình hình hoạt động của các băng nhóm “nhập cư” này.
Theo ông Quang, các băng nhóm dù ẩn náu tinh vi hay những đối tượng nghi vấn, đã bị lực lượng Công an nắm tình hình, giám sát chặt chẽ. Thậm chí Công an TP.HCM trong những năm trở lại đây đã triển khai các biện pháp tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra mạnh các tụ điểm kinh doanh có điều kiện như: Quán bar - vũ trường, tiệm cầm đồ, cơ sở mát-xa… và cả những nơi mà các băng nhóm tội phạm hay chọn là nơi trú ẩn như: Chung cư cao cấp, nhà thuê riêng biệt có nhiều nghi vấn, để đấu tranh triệt phá không cho các băng nhóm tội phạm có đất sống.
Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết hiện đang tạm giữ một số đối tượng liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê để xử lý về hành vi “giết người”. Điều đáng nói, các đối tượng này lại đâm chết người thuê mình đi đòi nợ.
Theo Tiền Phong