|
UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 - nơi có một phó chủ tịch bỏ nhiệm sở nhiều ngày qua. |
Sáng 1-8, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông N.C.V., Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TPHCM) qua số điện thoại cá nhân của ông V. nhưng vẫn không liên lạc được.
Trước đó, cơ quan nơi ông V. công tác cũng nhiều lần liên hệ với ông V. nhưng cũng bất thành. Vì vậy, thông tin ông V. bỏ nhiệm sở được bàn tán xôn xao trong nhiều ngày qua tại UBND phường này.
Tối 31-7, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận xác nhận với phóng viên: “Đảng ủy, UBND phường đã có báo cáo cho UBND quận, Quận ủy về việc cán bộ này không đến cơ quan làm việc trong nhiều ngày. Chúng tôi đang xử lý theo quy trình nhưng cũng đang tìm hiểu nguyên nhân. Sự việc xảy ra đã hơn một tuần và phường vẫn đang nỗ lực liên lạc”.
Ông Trần Thế Thuận cho biết thêm hiện nay chủ tịch UBND phường phải tạm thời phụ trách thay công việc của vị phó chủ tịch phường này để không ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành cũng như phục vụ người dân.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga cho biết thêm, đến nay Quận ủy vẫn chưa xác định nguyên nhân ông V. bỏ nhiệm sở trong nhiều ngày.
Khi được hỏi có phải cán bộ do nợ nần nên bỏ nhiệm sở, bà Nga nói: “Có nghe đồn”. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại Quận ủy chưa chính thức tiếp nhận bất kỳ thông tin, phản ánh nào có liên quan. Vì vậy, Quận ủy chưa đủ cơ sở kết luận nguyên nhân tại sao vị cán bộ này không đến cơ quan làm việc nhiều ngày.
“Cán bộ này có đơn xin nghỉ phép hai ngày. Sau hai ngày hết phép anh ta vẫn không đến cơ quan làm việc. Phường tìm nhiều cách liên lạc nhưng vẫn không liên hệ được. Hiện nay chưa thể nói được gì cả vì chưa liên lạc được, kể cả người nhà cũng không liên lạc được. Trước khi xin nghỉ phép thì cán bộ này vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường và không có bất kỳ một biểu hiện nào bất thường. Cho nên, sự việc này khiến nhiều người bất ngờ”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga nói.
Gọi cán bộ 3 lần mà không đến sẽ bị buộc thôi việc Theo quy định, cán bộ tự ý bỏ việc và đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi giấy gọi 3 lần mà không đến thì sẽ bị áp dụng hình thức buộc thôi việc. Trong khi đó, theo Nghị định 34/2011 về xử lý kỷ luật công chức thì hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp. |
Theo SGGP