Diễn viên, tiến sĩ luật được Hà Văn Thắm thuê làm "bù nhìn"

Thứ năm, 07/09/2017, 11:11
Cựu chủ tịch HĐQT OceanBank mở công ty sân sau, "dựng" nữ diễn viên làm Chủ tịch HĐQT, thuê tiến sĩ luật làm Tổng giám đốc 'bù nhìn'.

Sáng 7/9, phiên sơ thẩm xét xử đại án OceanBank bước vào ngày làm việc thứ bảy với phần xét hỏi của các luật sư với nhóm bị cáo có liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 69 tỷ đồng thông qua công ty BSC.

Cựu chủ tịch HĐQT OceaBank Hà Văn Thắm.

Theo cáo buộc, cuối năm 2008, Tập đoàn PVN ký thoả thuận với OceanBank và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược, góp 20% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Xuân Sơn được cử làm thành viên HĐQT, Tổng giám đốc OceanBank.

Cùng năm đó, cựu chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm thành lập công ty sân sau có tên là BSC. Để có nguồn tiền cung cấp cho ông Sơn chi chăm sóc khách hàng gửi tiền, Thắm để BSC ký hợp đồng thu phí với khách hàng vay vốn OceanBank.

Ông Thắm cho Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu diễn viên, nhân viên văn phòng HĐQT OceanBank) đứng tên làm Chủ tịch HĐQT BSC và sau đó tuyển Phạm Hoàng Giang về làm tổng giám đốc BSC, lương 10 triệu mỗi tháng, với nhiệm vụ soạn thảo, thẩm định các hợp đồng. Ông Giang là tiến sĩ luật, từng là phó phòng pháp chế OceanBank.

Năm 2009-2012, công ty BSC thu phí được hơn 69 tỷ đồng từ 721 hợp đồng bằng việc thu chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng, chênh lệch tỷ giá, phí dịch vụ mua bán bất động sản. Trong 721 hợp đồng này, ông Giang trực tiếp ký 622, còn lại là bà Tứ. Hơn 69 tỷ đồng BSC thu đều được ông Thắm chuyển cho ông Sơn.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Giang không thừa nhận việc ký các hợp đồng là sai, bởi ông không biết chủ trương tính phí cũng không gặp gỡ khách hàng. Tất cả do nhân viên công ty trình lên, thấy đủ tính pháp lý "thì ký".

Cáo trạng của VKS cũng xác định ông Giang không biết mục đích thu phí và việc sử dụng hơn 69 tỷ đồng. Tuy nhiên việc này đã giúp sức cho hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của bị cáo Sơn.

Luật sư nhắc bị cáo Hồng Tứ 'phân bố nước mắt cho hợp lý'

Trả lời luật sư về việc ký gần 100 hợp đồng, bị cáo Tứ bật khóc khai "tin tưởng" anh Thắm và anh Giang, "nếu biết là sai thì không bao giờ ký". Luật sư  ngay sau đó nhắc: "Bị cáo bình tĩnh, phân bố nước mắt cho hợp lý".

Bị cáo Hồng Tứ.

Khi được hỏi là có trao đổi với ông Giang khi ký không? Bị cáo Tứ tiếp tục khóc, nói: "Anh Giang biết bị cáo không có chức quyền gì ở BSC nên bảo gì thì bị cáo ký. Bị cáo có biết gì đâu mà trao đổi. Bị cáo tin anh ấy".

Bị cáo Tứ khẳng định không biết gì về BSC, mà chỉ đứng tên chủ tịch HĐQT trên danh nghĩa.  Luật sư chất vấn: "Căn cứ nào chị cho rằng anh Giang biết chị chỉ đứng tên?". Bị Tứ gắt lên: "Anh Giang biết mà, làm sao luật sư biết anh Giang không biết’.

Sau câu này, bà Tứ bị HĐXX nhắc phải có thái độ đúng mực, không đôi co.

Tuyển tổng giám đốc để ngồi ký hợp đồng

Bị cáo Giang khi đứng lên đối chất, cho rằng "sự thật không chính xác". Ông phủ nhận đã soạn các hợp đồng cũng như việc hướng dẫn cấp trên ký hợp đồng. Cho rằng "không được hưởng lợi gì", Giang khai ngoài lương 10 triệu mỗi tháng cho chức danh Tổng giám đốc thì chỉ được thêm một tháng lương thứ 13, có đóng thuế thu nhập rõ ràng, không thêm gì nữa.

Trong khi đó, bị cáo Sơn khai không có liên hệ gì với BSC, không biết bị cáo Thắm thành lập công ty này và thành lập với mục đích gì.

Cựu tổng giám đốc Sơn.

Bị cáo Thắm khi đối chất vẫn khẳng định bị cáo Giang không biết gì về chủ trương thành lập công ty để thu phí. Khi được hỏi vì sao Giang làm tổng giám đốc BSC nhưng lại không được giữ con dấu, Thắm đáp: "Đó là điều bình thường vì chỉ công ty siêu nhỏ thì Tổng giám đốc mới trực tiếp giữ con dấu".

Bị cáo Thắm còn cho rằng không lập ra BSC mà không có hoạt động kinh doanh gì, bởi chỉ cần người cần ký khống thì "chị Tứ hay lái xe ký cũng được".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích