|
Nhiều chủ vườn tiêu lo lắng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm do bị vạ lây bởi thông tin tiêu được trộn với hỗn hợp vỏ cà phê - pin |
Trước đó ngày 25-4, ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông - cho biết đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 5 người trong vụ "hỗn hợp pin" (pha trộn vỏ cà phê - sỏi - pin) để tiếp tục điều tra.
Theo ông Cường, sau tối đa 9 ngày (tính cả hai lần gia hạn), cơ quan công an sẽ phải ra các quyết định tiếp theo.
Đến nay cơ quan công an đã thu giữ 3 tấn "hỗn hợp pin" và 9 tấn tiêu đã đấu trộn hợp chất mà Phan Thị Dung (56 tuổi, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) chưa kịp bán ra thị trường...
"Hỗn hợp pin" trộn tiêu từ năm 2016?
Theo lời khai ban đầu của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, xã Đắk Wer, Đắk R’Lấp), "hỗn hợp pin" được trộn từ năm 2016. Do đó, dư luận cho rằng có rất nhiều tiêu "bẩn" từ cơ sở này đã bán ra thị trường trong thời gian nêu trên.
Theo ông Cường, cơ quan công an đã tịch thu toàn bộ sổ sách, hóa đơn và các tang vật liên quan của các nghi can trên để tiếp tục làm rõ đường đi của tiêu "bẩn".
"Còn việc cơ sở này đã bán bao nhiêu tấn tiêu đấu trộn từ trước đến nay, bán đi đâu... cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh làm rõ. Cần phải có thời gian để xem sổ sách, lấy lời khai thêm của các nghi can mới có thể nắm rõ được.
Bản chất của tội phạm là che giấu nên phải đấu tranh, khám xét để có căn cứ chứng minh. Chính vì vậy mình mới phải tạm giữ 9 ngày để đủ điều tra, đấu tranh" - ông Cường nói.
Trung tá Ngô Thanh Hòa - trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Phước - cho biết cơ quan này chỉ phối hợp kiểm tra nhân thân bà Dung lúc bà này bị bắt khẩn cấp.
Mọi công tác điều tra về động cơ, mục đích việc mua tạp chất nhuộm pin để trộn vào tiêu cũng như đường đi của mặt hàng này đều do Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, làm rõ để công bố.
"Sau khi nắm thông tin, Công an tỉnh Bình Phước đã triển khai công tác nắm tình hình, rà soát trên địa bàn tỉnh để ngăn chặn, bắt giữ các vi phạm nếu có" - ông Hòa cho biết.
Theo bà Phạm Thị Ngọc - phó giám đốc Sở Công thương Bình Phước, qua kiểm tra ban đầu tại cơ sở Thảo Dung, ngoài số tiêu đã đấu trộn và tạp chất bị thu giữ, cơ quan này còn phát hiện có hơn 20 tấn tiêu lép.
"Toàn bộ số tiêu lép này cũng đã bị Công an Đắk Nông thu giữ để điều tra. Chúng tôi đang xác minh thêm thông tin 20 tấn tiêu lép này nguồn gốc như thế nào, mua về với mục đích gì... Đến khi có kết quả điều tra từ cơ quan công an, chúng tôi mới tiếp tục các bước xử lý tiếp theo theo quy định" - bà Ngọc nói.
Các tạp chất thu giữ trong cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan |
Ngày 26-4 sẽ công bố bước đầu kết quả điều tra
Theo thượng tá Phạm Thanh Bình, trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, chiều 26-4 cơ quan này sẽ tổ chức thêm một cuộc họp báo để thông tin chính thức các kết quả điều tra ban đầu về vụ hỗn hợp cà phê nhuộm pin trộn vào tiêu...
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã bắt khẩn cấp đối với 5 người gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, chồng bà Loan), bà Phan Thị Dung, Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi) và Trần Văn Tuấn (42 tuổi), cùng trú xã Nâm N’Jang, Đắk Song, Đắk Nông. Theo ông Bình, những người bị bắt khẩn cấp vì có liên quan trong việc sản xuất, mua bán, đấu trộn "hỗn hợp pin".
Ngành hồ tiêu bị vạ lây
Thông tin phế phẩm cà phê nhuộm pin trộn vào tiêu khiến nhiều người trong ngành hồ tiêu hết sức lo lắng, đề nghị phải xử lý nghiêm để đảm bảo thương hiệu hồ tiêu VN.
Ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại xanh Thu Thủy (huyện Đắk Song, Đắk Nông), cho biết việc trộn các tạp chất nhuộm pin vào hồ tiêu là "hành vi độc ác", nhất là trong bối cảnh ngành hồ tiêu VN đang gặp khó khăn, giá tiêu đang ở mức thấp do khủng hoảng thừa.
"Cần có chế tài xử lý mạnh đối với những "con sâu làm rầu nồi canh" để ngành hồ tiêu nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung nâng tầm thương hiệu. Về lâu dài, ngành nông nghiệp phải phát triển theo hướng hữu cơ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường" - ông Thu đề xuất.
Trong khi đó ông Nguyễn Nam Hải - chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN - cho biết đang chờ kết luận của cơ quan điều tra xem mục đích phối trộn làm gì, tiêu "bẩn" đã bán những đâu mới có thể ra khuyến cáo chung.
Tuy nhiên, hành vi đấu trộn tạp chất, đặc biệt có chứa than pin vào hàng nông sản có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người là điều rất đáng phê phán và lên án.
"VN xuất khẩu khoảng 200.000 tấn hồ tiêu mỗi năm, kim ngạch hơn 1 tỉ USD nên hành vi của các nghi can nêu trên - dù là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ - cũng ảnh hưởng đến thương hiệu, khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn thêm" - ông Hải nói.
"Do đó, các địa phương tăng cường kiểm tra các đại lý, điểm thu mua, sản xuất, kinh doanh chế biến các sản phẩm hồ tiêu, đặc biệt các cơ sở nhỏ lẻ. Việc tổng rà soát này nhằm đảm bảo chất lượng hồ tiêu VN trước khi đưa đi xuất khẩu.
Từ việc nhỏ này (việc đấu trộn hỗn hợp vỏ cà phê, pin vào tiêu - PV) cũng là lời cảnh báo cho toàn ngành hồ tiêu rà soát quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa tốt nhất đến tay người tiêu dùng" - ông Hải nhận định.
Về thông tin có một lô hàng xuất khẩu bị trả lại được cho liên quan đến các lô hàng từ cơ sở bà Dung, ông Hải nói sẽ cho kiểm tra và thông tin sau.
"Hiện nay giá tiêu đang xuống thấp, nguồn hàng nhiều nên nhiều bạn hàng cũng lợi dụng thông tin này kia để trả hàng, chưa hẳn liên quan đến nguồn hàng từ cơ sở bà Dung" - ông Hải nói.
Theo TTO