Cựu Tổng Giám đốc Oceanbank thoát án tử?
Tại phần tranh luận phiên xử phúc thẩm đại án Oceanbank ngày 2/5, luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc Oceanbank) đưa ra thông tin bất ngờ. Theo đó, một doanh nhân là bạn thân của bị cáo Sơn sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để “cứu” bị cáo này thoát án tử hình. Ngoài ra, nhiều bạn bè khác của bị cáo Sơn cũng đã góp tiền để giúp đỡ bị cáo.
Cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn (áo trắng, hàng đầu) bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản". |
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Sơn bị tuyên phạt án tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng. Số tiền này theo cáo buộc là 20% trong số 246 tỷ đồng thiệt hại tính theo tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Oceanbank.
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, gia đình bị cáo Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là bạn thân của bị cáo Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên. Số tiền 37 tỷ đồng vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng bị cáo Sơn bị quy kết tham ô.
Trước đó, tại phần tranh luận trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thẩm phán Ngô Hồng Phúc - Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm - giải thích cho cựu TGĐ Oceanbank, nếu khắc phục được 3/4 tài sản tham ô, bị cáo Sơn có thể được giảm từ án tử hình xuống mức án chung thân, từ đó có thể giảm về mức án có thời hạn nếu cải tạo tốt.
Tự bào chữa sau đó, bị cáo Sơn cho biết, trong trường hợp vẫn bị kết tội “Tham ô tài sản”, bị cáo này xin phép được dùng số tiền 20 tỷ đồng mà Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) sẽ bị buộc phải trả lại bị cáo tại một bản án khác để bồi hoàn một phần trong số tiền 49 tỷ đồng bị quy kết là tham ô. Mặt khác, bị cáo Sơn còn xin được bán một phần tài sản đã bị kê biên và tiền mặt trong tài khoản bị phong tỏa để bồi hoàn, khắc phục hậu quả đối với tội “Tham ô tài sản”.
Tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Sơn) đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét về số tài sản mà gia đình bà bị kê biên. Trước quy kết của cấp tòa sơ thẩm về tội “Tham ô tài sản” đối với bị cáo Sơn, bà Xuân khẳng định, bà sẵn sàng dùng tài sản riêng của mình để đền bù thay chồng với mong muốn chồng mình được hưởng lượng khoan hồng, không phải chịu mức án tử hình.
Bất ngờ bị triệu tập, nguyên Phó TGĐ Oceanbank khai gì?
Tại phiên xử sáng 2/5, HĐXX bất ngờ trở lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề. Các bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối khách hàng cá nhân), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối khách hàng bán lẻ) khai rằng, các bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Trần Thanh Quang. Ông Quang sau đó được triệu tập đến phiên xử chiều 2/5 để làm rõ các vấn đề liên quan.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Chiều 2/5, trả lời thẩm vấn của HĐXX, ông Trần Thanh Quang một mực phủ nhận lời khai của hai bị cáo trên. Ông Quang khẳng định mình không chỉ đạo cấp dưới chi lãi ngoài, cũng như chưa bao giờ nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Hà Văn Thắm hay Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu liên quan đến việc chi lãi ngoài.
Ông Quang cho biết, ông quản lý 3 khối IT, Marketing và Khối khách hàng bán lẻ. Hoạt động chung của từng khối do Giám đốc khối điều hành. Ông không biết Oceanbank chi lãi suất vượt trần từ bao giờ, chỉ nhớ từ năm 2009. Cả 3 khối do ông phụ trách đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc.
Về lời khai của 2 bị cáo Trang và Ba cho rằng các bị cáo đã thực hiện việc chi lãi ngoài theo chỉ đạo của mình, ông Quang trình bày, không phải đến phiên tòa này hai bị cáo trên mới nói ra việc đó.
“Tại cơ quan điều tra, hai chị, nhất là chị Trang, nói ra những câu chuyện không đúng sự thật về việc tôi chỉ đạo chị chi lãi ngoài, khiến tôi mất rất nhiều thời gian làm việc với cơ quan điều tra để giải thích rõ. Tôi hiểu chị Trang nói vậy sẽ làm nhẹ tội của chị ấy, nhưng như vậy không đúng sự thật cũng như đạo đức con người.” - ông Quang nói trước tòa.
Được yêu cầu lên đối chất lời khai, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang cho rằng, sự thật chỉ có một và bị cáo không thay đổi lời khai. Trong khi đó, ông Quang khẳng định, ông với CQĐT đã làm việc không ít hơn 5 lần.
“Có một lần đối chất với chị Trang và chị Thu Ba, chị Trang nói tôi tham gia cuộc họp bàn giao giữa chị Ba và chị Trang, tôi không đồng ý, vì tôi chưa tham gia cuộc họp nào như thế.” - ông Quang trình bày.
Bị cáo Hà Văn Thắm trình bày trước tòa ngày 2/5. |
Nêu quan điểm trước những mâu thuẫn trong lời khai các bị cáo và người liên quan, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, VKS sẽ thể hiện quan điểm trong phần tranh tụng sau cùng, đồng thời yêu cầu ông Quang có mặt trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.
Đề nghị triệu tập Cục C46 - Bộ Công an
Cũng trong phiên xử chiều 2/5, đại diện VKS đề nghị HĐXX triệu tập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) đến tòa để làm rõ một số vấn đề. Theo đại diện VKS, bản án sơ thẩm đã đưa ra 7 kiến nghị đối với CQĐT, trong đó có kiến nghị về việc bị cáo Sơn đã chiếm đoạt hơn 246 tỷ trong số tiền hơn 1.576 tỷ bị thất thoát nhưng bị cáo chưa hợp tác, chưa thành khẩn khai nhận việc đã chi số tiền trên như thế nào, cho những ai. Việc này gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản thất thoát.
Đại diện VKS cho rằng, 7 kiến nghị trong bản án sơ thẩm đều liên quan đến trách nhiệm của CQĐT - Bộ Công an. Từ đó,, đại diện VKS đề nghị đại diện C46 cho biết quan điểm về 7 kiến nghị này để VKS có cơ sở tranh luận.
Trước đề nghị của đại diện VKS, Chủ tọa phiên tòa giao Tổ thư ký liên hệ với đại diện C46 - Bộ Công an, yêu cầu 8h sáng 3/5 có mặt tại phiên tòa, có ý kiến để VKS và các luật sư nắm được những công việc của CQĐT liên quan đến 7 kiến nghị của HĐXX cấp sơ thẩm.
Theo Dân Trí