Xử lý việc "xẻ thịt" Vườn Quốc gia Cát Bà

Thứ sáu, 04/05/2018, 09:41
9 doanh nghiệp xây sai phép các công trình trong Vườn Quốc gia Cát Bà kéo dài nhiều năm bằng các hợp đồng vô thời hạn với giá rẻ mạt

Chiều 3-5, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, đã họp khẩn với lãnh đạo Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.Hải Phòng cùng các cơ quan liên quan để rà soát, kiểm điểm, đánh giá các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch sinh thái của các tổ chức, cá nhân tại khu vực VQG Cát Bà; kiểm điểm trách nhiệm việc thanh lý các hợp đồng liên doanh liên kết của VQG Cát Bà với 9 doanh nghiệp (DN).

Hợp đồng vô thời hạn

Từ năm 2007-2011, VQG Cát Bà đã thông qua Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết hoạt động kinh doanh du lịch với 9 DN. Trong số này, Công ty Du lịch Thủy sản Thương mại Thùy Trang, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đảo Cát Dứa, Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long được giao tổng diện tích đất rừng khoảng 14.000m2 và 150ha mặt nước biển.

Các công trình xây dựng trong Vườn Quốc gia Cát Bà

Qua xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng, lãnh đạo VQG Cát Bà đều thừa nhận việc đồng ý, cho phép ký kết, thực hiện liên doanh, liên kết với các DN trong khi chưa có "Đề án phát triển du lịch sinh thái" được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt là vi phạm các quy định về quản lý rừng.

Ông Trịnh Phúc Mãn, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Đảo Cát Dứa (DN được giao 12ha mặt nước và bãi cát), cho hay hợp đồng liên doanh liên kết với VQG Cát Bà là vô thời hạn.

Sau khi ký kết hợp đồng năm 2011, công ty có lập đề án phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do chưa được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động môi trường nên đề án vẫn chưa gửi đi. Hiện công ty đã bỏ ra trên 100 tỉ đồng đầu tư xây dựng 43 phòng trên đảo Cát Dứa. Do đó, DN này mong muốn được ký kết phối hợp 50 năm để đầu tư tốt hơn.

"Như hiện nay không yên tâm về mặt pháp lý, mới dừng ở mức độ VQG, với TP thì chưa có được... Đến nay, việc đầu tư các bungalow, phòng nghỉ, phòng hát... của chúng tôi lại chưa có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, nếu không thừa nhận thì tại sao DN lại được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC, an ninh trật tự, được công nhận khách sạn 1 sao" - ông Mãn thắc mắc.

Theo ông Mãn, việc liên doanh hoàn toàn không liên quan đến tài chính, bên công ty bỏ 100% vốn, liên doanh liên kết nhưng VQG Cát Bà không được chia lợi nhuận ngoài số tiền 30 triệu đồng tiền thuê mặt bằng/năm.

Tiền trảm, hậu tấu

Tháng 11-2016, UBND TP.Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu giải tỏa hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ sinh thái của các tổ chức cá nhân của VQG Cát Bà.

Theo đó, UBND TP.Hải Phòng giao VQG Cát Bà rà soát các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch sinh thái của các tổ chức cá nhân tại VQG Cát Bà (lập danh sách các dự án, quy mô, thời gian thực hiện, cấp phê duyệt). Đặc biệt, UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo VQG Cát Bà tiến hành thanh lý các hợp đồng đã ký kết với các tổ chức cá nhân nhưng ông Hoàng Văn Thập, Giám đốc VQG Cát Bà, vẫn cố tình làm ngơ.

"Lãnh đạo TP đã có công văn chỉ đạo, đốc thúc việc thanh lý các hợp đồng liên kết, thu hồi lại các khu vực xây dựng trái phép nhưng họ không làm. Thậm chí, UBND TP yêu cầu phải thường xuyên báo cáo TP nhưng từ đầu năm 2017, các cơ quan liên quan cũng không thực hiện" - chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định.

Ngày 3-5, tại các điểm đảo có vị trí đẹp thuộc sự quản lý của VQG Cát Bà vẫn đang tồn tại hàng chục công trình được một số doanh nghiệp tận dụng để đầu tư xây dựng trái phép, cát cứ thành vùng riêng. Đáng chú ý, có DN vẫn tôn tạo, xây dựng công trình bình thường mà không hề bị "tuýt còi". Theo như lời ông Trịnh Phúc Mãn thì nguyện vọng của DN muốn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Dù thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện nhưng DN sẽ bỏ tiền ra làm trước, tiền trảm hậu tấu.

Theo ông Hoàng Văn Thập, tất cả các công trình, dự án xây dựng đang hoạt động trên các đảo tại vịnh Lan Hạ thuộc VQG Cát Bà đều chưa được phê duyệt xây dựng cũng như có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai.

Trong số 9 DN thì có 8 đơn vị tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa hạ tầng tại phân khu phục hồi sinh thái biển. Cụ thể, tại các khu vực như: Nam Cát, Cát Dứa 2, Vạn Bội, Tháp Nghiêng,… được các đơn vị đầu tư xây dựng hàng chục bungalow nghỉ dưỡng, nhà nghỉ bê-tông kiên cố hóa… với diện tích quản lý được giao lên đến hàng trăm hecta.

Ông Thập cho rằng các công trình được triển khai chỉ xây dựng trên các bãi cát, không xây dựng tại khu vực rừng núi. Vị giám đốc VQG Cát Bà thừa nhận đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thanh lý các hợp đồng liên kết với các DN theo chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định sẽ chấn chỉnh, xem xét kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tự ý liên kết với DN để xây hàng loạt resort, nhà nghỉ trái phép trên các đảo thuộc vịnh Lan Hạ (VQG Cát Bà), làm ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích