Một kho hàng mini tại nhà chuyên kinh doanh hàng xách tay ở Q.10, TP.HCM |
Ngoài một lượng hàng xách tay (HXT) về theo đường hành lý của hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không, còn hầu hết HXT trên thị trường đều được tổ chức mua gom, tập kết tại một số điểm từ nước ngoài, sau đó gửi về nước theo đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện...
Gom hàng, xé nhỏ, "cửa xanh - cửa đỏ"
Theo cán bộ Quản lý thị trường TP.HCM này, các chủ đường dây thuê người chuyên xuất cảnh, nhập cảnh nhiều lần theo tuyến cố định để xách hàng.
Ở nước ngoài, sau khi hàng hóa được mua gom với số lượng lớn sẽ được xé nhỏ, đóng thành nhiều kiện cho nhiều người đứng tên và bảo đảm chỉ ở mức khai báo có giá dưới 10 triệu đồng để được miễn thuế.
Có trường hợp, người mang hàng được thuê cùng với cả gia đình nên được cộng gộp định mức miễn thuế và thông quan mà không nằm trong định mức miễn thuế. Thậm chí, hàng hóa còn được bóc nhãn, bóc mác để hải quan không thể xác định trị giá, chủng loại...
Về đến VN, họ dán lại nhãn mác rồi bán qua mạng hoặc tại các cửa hàng.
Theo Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ đầu năm đến nay có hơn 3 triệu lượt hành khách nhập cảnh qua nơi này. Để quản lý lượng HXT với lượng khách như thế thật không đơn giản.
Chi cục thực hiện phân luồng theo "cửa xanh" (không khai báo hải quan) và "cửa đỏ" (khai báo hải quan) nhằm tạo thuận lợi tối đa, rút ngắn thời gian thông quan cho hành khách nhập cảnh. Đã có nhiều hành khách lợi dụng sự thông thoáng này.
Mới đây, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nghi vấn một hành khách mang hành lý đi qua "cửa xanh" nên đã yêu cầu chuyển sang "cửa đỏ" để kiểm tra.
Và quá bất ngờ: vị hành khách này mang theo số lượng vượt tiêu chuẩn miễn thuế với nhiều túi xách, ví, áo, giày dép thời trang hiệu LV và Gucci, đồng hồ đeo tay hiệu Cartier và Venice Quart, toàn bộ đều là hàng mới 100%, mua tại Pháp.
Tổng trị giá lô hàng gần 430 triệu đồng, tổng số tiền thuế phải nộp hơn 160 triệu đồng.
Alô đặt hàng, chuyển đến tận nhà
Con đường phổ biến khác của HXT về VN tràn lan hiện nay là qua các công ty, đại lý chuyển phát nhanh.
Ông V.H. - người buôn bán HXT trên đường Nguyễn Trãi, TP.HCM - cho biết hình thức vận chuyển của công ty ông là "door to door" (nhận cửa nơi xuất, giao ở cửa nơi nhận tại VN). Ví dụ giá vận chuyển trọn gói từ New Zealand về VN dao động từ 12-14 USD/kg, hàng sẽ về chậm nhất một tuần.
Có hàng loạt công ty, đại lý nhận vận chuyển từ các nước về VN theo kiểu này như E.T, D.J, K.T... Giá vận chuyển tùy mặt hàng.
Bà M., đại diện của công E.T., cho biết có thể giao tận nhà, giá cộng thêm 10-20%. Tương tự, Công ty K.T. nhận chuyên hàng Nhật, phí vận chuyển điện thoại, máy tính hoặc đồ điện tử nhẹ từ 500.000 - 1,2 triệu đồng/chiếc. Phí gom hàng 25.000 đồng/kg...
"Những nơi này thường lấy lý do là hàng quà biếu, hàng 'bảo hành' do hãng sửa chữa và trả lại. Thậm chí khi cần dùng cả hóa đơn chứng từ giả. Gần đây, họ còn sử dụng phương thức vận chuyển gián tiếp, không chuyển trực tiếp vào sân bay Tân Sơn Nhất mà đi đường vòng.
Chẳng hạn mới đây, khoảng 500 cái đồng hồ được chuyển từ nước ngoài quá cảnh sân bay Nội Bài, sau đó mới chuyển hàng vào TP.HCM" - một cán bộ Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.
Phần lớn mua phải hàng giả
Ông V.H. - một người buôn bán HXT tại đường Nguyễn Trãi, TP.HCM - tiết lộ giá hàng thời trang, mỹ phẩm xách tay về đến VN cộng thêm 5-7% công mua, 5-9% thuế (tùy sản phẩm), phí vận chuyển... nên thường cao hơn khoảng 20-30% so với giá gốc. Nên nếu đúng như chi phí đã bỏ ra, không thể có HXT giá rẻ như quảng cáo mà phải trộn thêm hàng như dạng hàng Mỹ, Nhật nhưng sản xuất tại Trung Quốc... Chủ Công ty may M.T (Q.Tân Phú) cho biết với các loại HXT được coi là "hàng dư, hàng lỗi" từ các nước cũng không thể nhiều như thế. Vì khi có sai sót, lỗi, các công ty thường tiêu hủy, gỡ tên thương hiệu ra khỏi những sản phẩm lỗi. Do đó, không có chuyện hàng xuất dư, lỗi bán theo dạng HXT khắp nơi như thế. "Những người ham rẻ, thích nhãn mác hiệu mua HXT chắc chắn phần lớn mua phải hàng giả rồi" - chị Lê Thái Hòa (Q.3) nhận định. |
Hàng xách tay là hàng lậu
Theo luật sư Lê Đình Thanh, giám đốc Công ty luật H.L., HXT chính là hàng lậu. Theo ông, để ngăn chặn, kiểm soát HXT phải có giải pháp căn cơ. Tức là không để HXT về VN qua các kênh, không cho lọt qua các cửa kiểm soát rồi thao túng thị trường như thế.
Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết hiện nay hàng nhập lậu diễn biến rất phức tạp. Nhiều công ty nhận chuyển phát, ký gửi hàng hóa từ nước ngoài về theo đơn đặt hàng với số lượng lớn, ngoài đường hàng không còn đi bằng đường sắt, đường thủy trong các container...
Lãnh đạo Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho biết chi cục đã và đang tập trung nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý HXT nhập lậu. Tuy nhiên, HXT về nước qua nhiều nguồn khác nhau, chứ không riêng gì đường hàng không. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều bộ, ngành.
Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường quản lý HXT, trong đó nhấn mạnh tới việc xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá những đường dây buôn lậu HXT này.
Từ đó, Bộ Tài chính cùng các bộ đang nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý kiểm soát tình trạng này. Đồng thời sửa đổi chính sách, quy định cụ thể các mặt hàng được miễn thuế.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt các trường hợp HXT không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ bày bán trên thị trường.
Số phát hiện quá nhỏ Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trị giá hàng hóa nhập lậu tính từ đầu năm đến nay phát hiện được khoảng 8 tỉ đồng. Trong đó, cuối tháng 3 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường và Công an TP.HCM tiến hành khám theo thủ tục hành chính các kiện hàng thuộc phạm vi kho quốc nội Vietnam Airlines. Qua kiểm tra, các chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 1.260 máy tính bảng, đồng hồ đeo tay, điện thoại di động các loại... |
Theo TTO