|
Phải hết sức cảnh giác khi chạy xe ở những đoạn đường vắng vào ban đêm |
Tôi hành nghề xe ôm tính đến nay đã được 20 năm trong nghề, có thể nói không hơn những anh em đã hành nghề lâu hơn, cũng không kém hơn những người mới vào nghề. Như mọi người đều biết, nghề xe ôm của chúng tôi giống như làm dâu trăm họ. Khách kêu đi đâu thì đi đấy, không kể ngày đêm, chạy đến những nơi mà chưa một lần đến.
Chú Nguyễn Văn Lệ - người Sài Gòn với 20 năm hành nghề xe ôm truyền thống |
Tài sản của xe ôm là chiếc xe, quý giá với chúng tôi và dễ tiêu thụ với bọn cướp. Những kẻ xấu thường kêu xem ôm đi đến chỗ vắng vẻ để dễ bề chiếm đoạt, nhất là vào ban đêm. Chúng còn nhắm vào khách đi xe ôm mang theo túi xách, tìm cách tiếp cận để giật.
Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in những lần bị cướp giật, bởi đó là những kinh nghiệm “xương máu” đối với tôi.
Nhiều lần gặp “khách xấu”
Ngày nọ, cuốc xe 1 giờ khuya, tôi chở khách từ đường Cống Quỳnh (Q.1) về Q.Tân Bình. Khi đến đoạn ôm cua đường Xuân Hồng để vào đường Trường Chinh thì bất ngờ 2 người đàn ông chạy xe Nouvo kè theo, giật bóp đeo ngang hông của khách. Vì dây quá chặt nên người khách bị kéo lê xuống đường, xe tôi ngã ra. Giật không được lần đầu, chúng ngừng xe quay lại định thử một lần nữa. Tôi liền lấy cái còi (mà tôi thủ sẵn trong áo) ra thổi liên tục. Thế là chúng mới ngừng và lên xe chạy mất.
Một vài người khách tôi chở cũng bị giật giỏ xách trên đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng may là cả tôi và khách đều cảnh giác nên không bị mất.
Tôi còn nhớ có lần bị một người khách “hành” theo kiểu điều xe ghé nhiều nơi và điểm cuối là Bình Hưng Hòa. Tôi nghi ngờ nên từ chối đi Bình Hưng Hòa nên bị người này chửi mắng và không trả tiền nguyên cuốc xe. Tôi đành chịu thua vì lúc đó đã quá khuya. Thôi thì của đi thay người…
Lần khác, trong lúc đang đợi khách thì có một người từ trong quán ăn bước ra, kêu tôi chở đến chợ Thiếc (đường Phó Cơ Điều, Q.11). Tôi chở người này đến chợ, đứng ngoài đợi để người này vô chợ. Chừng đâu 10 phút, người này trở ra, nói là vô chợ mua vàng nhưng thiếu mấy chục ngàn nên mượn tôi. Thế là lại một ngày đi làm không công và còn nhiều ngày như thế nữa bởi khách cứ điều tôi đi nơi này nơi kia rồi tìm tìm cách không trả tiền.
Không bao giờ quên chiếc còi
Sau những bài học này, tôi tự rút ra cho mình những kinh nghiệm để tránh rơi vào những trường hợp như trên. Khi chở khách vào ban đêm, tôi luôn mang theo cái còi thể thao. Có người khuyên tôi nên thủ sẵn gậy gộc hay gì đó, nhưng tôi nghĩ cướp luôn có đồng bọn nên nếu tôi mang theo hung khí, có khi lại nguy hiểm cho bản thân và biết đâu còn đi tù nếu gây ra án mạng.
Các tài xế xe ôm truyền thống lẫn xe ôm công nghệ đều có nguy cơ gặp phải các đối tượng cướp giật khi hành nghề |
Với tôi, chiếc còi là vật bất ly thân. Khi khách kêu tôi đi nhiều chỗ, nhất là ban đêm thì tôi luôn cảnh giác lấy còi đeo trước ngực. Nếu thấy nghi nghi là tôi từ chối không đi nữa, thà bỏ tiền còn hơn bỏ mạng.
Khi tôi đang chạy xe một mình hoặc đang chở khách mà có người hỏi đường thì tôi hết sức cẩn thận. Tôi luôn nhìn thẳng vào mắt người hỏi đường vì nếu họ cứ nhìn vào tư trang của khách thì đoán chừng đó là kẻ xấu.
Tôi cũng được “truyền” kinh nghiệm gặp khách nam kêu chở đi xa lúc tối khuya thì cứ giả vờ giỡn vỗ bụng hoặc sờ sau lưng họ. Nếu thấy cồm cộm thì nên từ chối vì biết đâu đó là hung khí.
Còn chuyện tế nhị khi chở khách nữ mà tôi cũng rất cảnh giác. Nếu người khách đó cứ giả bộ chồm lên trước để nói chuyện thân mật thì phải coi chừng. Bởi có tài xế xe ôm từng bị móc túi và bị người đàn ông khác lao vào đánh. Bởi mấy người này tạo hiện trường giả, vu oan xe ôm tội ve vãn vợ người khác để cướp xe.
Đời xe ôm thật là… nhiều chuyện mà mỗi ngày là một ngày mới. Nên không còn cách nào khác là phải tự nhủ bản thân luôn cảnh giác, luôn quan sát để phòng thân.
Theo Thanh Niên