VKS kiến nghị làm rõ khoản vay 1.600 tỷ của Phạm Công Danh tại BIDV

Thứ hai, 17/12/2018, 13:33
Cơ quan công tố kiến nghị làm rõ hơn 1.600 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của Phạm Công Danh tại BIDV, cũng như trách nhiệm của những người phê duyệt khoản vay này.

Sáng 17/12, đại diện cơ quan công tố phát biểu quan điểm giải quyết phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị xem xét 194 tỷ của ông Trần Quý Thanh

Đối với kháng cáo của ông Phạm Công Danh và Phan Thành Mai cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét nguyên nhân xảy ra vụ án xuất phát từ vi phạm của bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín), VKS đánh giá không có cơ sở vì đây không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ án.

VKS cho rằng các bị cáo là cấp dưới đã thực hiện chỉ đạo của ông Danh lập khống hồ sơ, tạo điều kiện cho ông Danh sử dụng số tiền hơn 6.100 tỷ đồng.

Với hậu quả nêu trên, hành vi của các bị cáo phải chịu mức án 7-10 năm nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo chỉ mức 3-5 năm là nhẹ, dưới mức hành phạt nên không chấp nhận kháng cáo. Riêng bị cáo Trần Hiệp, hiện tại ông Hiệp đang bị ung thư giai đoạn cuối nên đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét.

Ông Phạm Công Danh ở tòa phúc thẩm.

Về kiến nghị tăng hình phạt đối với 4 bị cáo nguyên là giám đốc công ty "ma" do ông Danh thành lập, VKS xét thấy trong đại án VNCB giai đoạn 1, bốn bị cáo này đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được áp dụng án treo là vi phạm Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán nên đề nghị không cho 4 bị cáo này hưởng án treo.

Đối với kháng cáo của CB (trước là Ngân hàng Xây dựng - VNCB) không đồng ý trả số tiền 4.500 tỷ đồng, VKS thấy rằng mặc dù ông Danh chuyển 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ nhưng nguồn gốc là bất hợp pháp, chưa được NHNN chấp nhận tăng vốn điều lệ cũng như hạch toán nợ phải trả, ông Danh đã sử dụng hết. Do đó, không có cơ sở thu hồi và không buộc ngân hàng CB trả lại cho Danh.

Việc thu hồi 194 tỷ đồng của ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), 1.176 tỷ của BIDV… VKS đề nghị HĐXX xem xét theo pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan công tố cũng kiến nghị làm rõ hơn 1.600 tỷ đồng liên quan đến khoản vay tại BIDV, cũng như trách nhiệm của những người phê duyệt khoản vay này. Các khoản tiền khác mà ông Danh cùng đồng phạm đề nghị thu hồi, VKS đánh giá không có cơ sở xem xét.

Phạm Công Danh đề nghị thu hồi 400 tỷ từ Trần Quý Thanh

Trong phần xét hỏi trước đó, ông Danh đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi thêm nhiều khoản tiền để khắc phục hậu quả cho CB, gồm: 400 tỷ đồng của ông Trần Quý Thanh có nguồn gốc từ tiền thuê mặt bằng của Công ty Trung Dung; 3.658 tỷ bà Phấn nhận để mua tài sản tại Ngân hàng Đại Tín nhưng không thực hiện; 30 tỷ chuyển cho bà Phấn thông qua cháu là Ngô Kim Huệ.

Ngoài ra, ông Danh cho rằng giai đoạn 1 chưa thu hồi 184 tỷ đồng từ Trần Ngọc Bích (con ông Trần Quý Thanh) và 37 tỷ của bà Phấn.

Đối với 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, phía CB cho rằng ông Danh đã trực tiếp điều hành, sử dụng nên phải tự chịu trách nhiệm về việc mất vốn. Từ đó, CB không đồng ý việc trả lại số tiền này như cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó.

VKS cũng cho rằng 4.500 tỷ đồng không phải là đối tượng giải quyết của vụ án và không phải vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi.

Các bị cáo tại tòa sơ thẩm. Do ông Trầm Bê không kháng cáo nên lần này ông không có mặt ở tòa.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng. Sau đó, 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.

Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn