Liên quan vụ hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) Đinh Bằng My bị khởi tố về hành vi Dâm ô với người dưới 16 tuổi, các luật sư cho rằng hành vi của bị can 57 tuổi gây phẫn nộ, cần xử lý nghiêm.
Trao đổi với PV, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá, vụ việc có thể được coi là một biến cố gây rúng động trong ngành giáo dục. Bởi lẽ, người được người dân tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, đào tạo học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng lại mất nhân cách.
Luật sư cho rằng hành vi của thầy hiệu trưởng bị bắt tạm giam khiến dư luận rất phẫn nộ, thể hiện sự suy đồi về đạo đức, tha hóa về tâm lý.
Khuôn viên trường nội trú huyện Thanh Sơn. |
"Hành vi đó còn gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của những nhà giáo chân chính và của ngành giáo dục", ông Thiệp nhận xét và phân tích, những việc làm của vị hiệu trưởng còn khiến các học sinh bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống trưởng thành sau này.
Theo tiến sĩ, vụ việc xảy ra trong thời gian dài nên cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, đơn vị quản lý giáo dục của tỉnh Phú Thọ và huyện Thanh Sơn.
Ngoài ra, có thể xem xét trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận và kiểm tra thông tin phản ánh.
Hiệu trưởng Đinh Bằng My phát biểu tại một buổi ngoại khóa. Ảnh: Website trường nơi ông My công tác. |
Đối với môi trường ở trường dân tộc nội trú, học sinh được gia đình ở các vùng sâu vùng xa của huyện Thanh Sơn gửi gắm, với mong muốn nhà trường giáo dục các em thành những con ngoan, trò giỏi. Họ có thể trở thành người có ích cho xã hội, thậm chí là những lãnh đạo địa phương trong tương lai.
Tuy nhiên, hành vi lệch lạc về đạo đức, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của thầy hiệu trưởng rất nguy hiểm cho tâm lý phát triển bình thường của các em học sinh ở lứa tuổi nhạy bén này.
"Tôi cho rằng sự việc xảy ra rất đau lòng và chua xót", luật sư đánh giá và khẳng định, việc xác định bị can có biểu hiện bệnh lý về giới tính cũng không thuộc phạm vi được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thậm chí, nếu bị can là người đồng tính nam vẫn bị xem xét xử lý theo Bộ luật Hình sự. Do đó, căn cứ kết quả điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần xử lý nghiêm khắc.
Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng cơ quan điều tra cần làm rõ 2 khả năng trong vụ án.
Nếu bị can sinh năm 1961 không nhằm mục đích quan hệ tình dục với các nạn nhân chưa đủ 16 tuổi, mà chỉ có hành vi sờ mó bộ phận sinh dục hoặc dụ dỗ, ép các nam sinh sờ mó, cọ xát vào bộ phận sinh dục của mình, thì đã phạm vào tội Dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi.
Hình phạt tội này lên đến 7 năm tù, tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần hoặc phạm tội với nhiều người, quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.
Còn kết quả điều tra xác định bị can đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với các nam sinh chưa đủ 16 tuổi (quan hệ tình dục bằng miệng hoặc qua hậu môn...) nhằm thỏa mãn sinh lý, thì hành vi này có dấu hiệu tội Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi.
Theo luật sư Cường, mức án tù với tội danh này có thể lên tới 10 năm, quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015.
Một số nam sinh kể đã nhiều lần được hiệu trưởng gọi lên phòng nói chuyện. Sau đó, người này yêu cầu các em thực hiện một số hành vi lạm dụng tình dục, mỗi lần hiệu trưởng gọi lên phòng sẽ cho kẹo và tiền từ 20.000 - 30.000 đồng. Vì tâm lý ngại ngùng, lo sợ nên không ai dám tiết lộ câu chuyện.
Sáng 17/12, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Văn Yên (Văn Yên, Yên Bái). Theo người đứng đầu ngành giáo dục, hình ảnh xấu xí (nếu đúng như tố cáo) làm nhiều phụ huynh có con theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú lo lắng vì luôn nghĩ nhà trường cũng như gia đình.
“Trường hợp này cần lên án và pháp luật phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ngành giáo dục, nếu chỉ dừng lại ở đó, là chưa đủ, bởi đi từ gốc, bản thân học sinh phải được giáo dục giới tính tốt, có kỹ năng phòng chống xâm hại. Chính học sinh phải là người tự bảo vệ mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
|
Theo Zing