"Bóng ma" tín dụng đen dịp Tết - Kỳ 2: Loay hoay chặt vòi bạch tuộc

Thứ hai, 24/12/2018, 09:44
Vì sao đã điểm mặt, đặt tên được loại hình "tội phạm tín dụng đen", nhưng cơ quan công an vẫn gặp khó khăn khi xử lý ?

Tín dụng đen len lỏi đến mọi ngõ ngách ở Tây Ninh

Đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết từ nay đến Tết, dự báo nạn tín dụng đen sẽ diễn biến hết sức phức tạp.

Mỗi nơi xử lý tín dụng đen mỗi khác

Tại Đà Nẵng, liên quan đến tín dụng đen, đặc biệt là các đối tượng ngoại tỉnh đến Đà Nẵng hoạt động tín dụng đen, Công an TP.Đà Nẵng áp dụng biện pháp siết chặt cư trú để ngăn chặn tín dụng đen ngay từ đầu.

“Vấn đề tín dụng đen không chỉ Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng mà Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. Lực lượng cảnh sát hình sự đã được yêu cầu phải giám sát chặt chẽ, không để xảy ra hoạt động tín dụng đen trên địa bàn”, đại tá Trần Mưu nói.

Trên thực tế, một số phường trên địa bàn TP.Đà Nẵng qua công tác siết chặt quản lý cư trú đã chủ động phát hiện sớm và “trục xuất” các nhóm đối tượng tín dụng đen ra khỏi địa bàn dân cư.

Đề cập đến việc xử lý nạn tín dụng đen, đại tá Phạm Văn Ngót, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bến Tre, cho biết: "Thời gian qua, cảnh sát hình sự Bến Tre tiến hành triệt phá hàng nhóm chục nhóm, băng nhóm có biểu hiện dấu hiệu cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen. Tình hình an ninh trật từ về các nhóm đối tượng này cũng hết sức phức tạp”.

Thế nhưng, đại tá Ngót cũng cho biết “vẫn chưa xử lý hình sự được với hành vi cho vay nặng lãi”. Theo đại tá Ngót, một mặt vì các nạn nhân (con nợ và người thân - PV) không hợp tác; một mặt chưa phát hiện được chứng cứ thể hiện các đối tượng này cho vay nặng lãi, nên đã phần chỉ xử lý được các băng nhóm tín dụng đen về tội “bắt giữ người trái pháp luật”.
Thời gian qua, Công an tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều đợt học tập kinh nhiệm ở các địa phương khác, nhưng tại mỗi nơi, biện pháp xử lý cũng khác nhau nên, chưa áp dụng được. Hiện, Công an tỉnh Bến Tre đã kiến nghị cấp trung ương có hướng dẫn cụ thể để xử lý nạn tín dụng đen.
Tại Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng cho vay kiểu tín dụng đen, đã có hành vi như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái phép, cưỡng đoạt tài sản.
Nhưng có đến 103 đối tượng chỉ có thể bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh tín dụng không giấy phép, trốn thuế, phát tờ rơi quảng cáo không đúng quy định…
Tại Cần Thơ, cơ quan công an ngoài việc đủ cơ sở để khởi tố hình sự 4 vụ, 5 đối tượng về các tội phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động đòi nợ như cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… cũng chỉ có thể tiến hành gọi hỏi, răn đe, giáo dục 435 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Vì sao công an gặp khó khi xử lý nạn tín dụng đen?

Liên quan đến hoạt động tín dụng đen tại Tây Ninh, đại tá Nguyễn Tri Phương, Giám đốc công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Hiện các đối tượng tín dụng đen đã biến tướng, né tránh việc xử lý của cơ quan chức năng dưới hình thức thay vì ký hợp đồng cho vay thì lại ký hợp đồng cho thuê xe. Cụ thể, xe của nạn nhân được lập hồ sơ dưới hình thức hợp đồng bán xe, sau đó các nhóm tín dụng đen làm hợp đồng cho chủ xe thuê lại. Do đó, để củng cố chứng cứ, đấu tranh xử lý các trường hợp này rất khó khăn”.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết đối với loại tội phạm tín dụng đen, việc đấu tranh hết sức khó khăn, vì sự hợp tác của người dân rất hạn chế.
Người bị hại phải làm đơn tố cáo thì cơ quan công an mới có cơ sở để xử lý, nhưng rất nhiều trường hợp, nạn nhân không dám làm đơn tố cáo đến công an. Trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen vừa qua được xử lý trên địa bàn Lâm Đồng, công an đã phải vận động, thuyết phục thì người bị hại mới dám viết đơn tố cáo.
Còn theo đại tá Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ, chế tài xử lý đối với nạn tín dụng đen hiện nay vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, mặt chế tài, theo điều 201 Bộ luật hình sự 2015 thì mức phạt tiền đối với tội danh này cao nhất là 1 tỉ đồng và mức phạt tù cao nhất là 3 năm là chưa đủ sức răn đe, theo đại tá Thuận.
Xét về mặt khách thể, dạng tội phạm này hiện mới chỉ được “định danh” là tội phạm xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về tín dụng với tính chất nguy hiểm cho xã hội là ít nghiêm trọng (xét theo khung hình phạt cao nhất).
Tuy nhiên, cũng theo đại tá Thuận, đây lại là nguồn gốc phát sinh của rất nhiều tội phạm rất nghiêm trọng khác mà điển hình là cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích (thông qua hành vi đòi nợ, siết nợ) hay hủy hoại tài sản, làm nhục người khác như tạt sơn, tạt chất bẩn, bôi nhọ danh dự…
Do đó, cần thiết phải có sự điều chỉnh mức hình phạt đối với loại tội phạm này nhằm đảm bảo tính răn đe, góp phần hạn chế việc phát sinh tội phạm cho vay lãi nặng cũng như các tội phạm có liên quan.
Khó khăn khi xử lý, khởi tố đối tượng cho vay nặng lãi
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, Luật Hình sự trước năm 2018 rất khó khởi tố những đối tượng này vì quy định về lãi suất, tính chất bóc lột, giá trị thặng dư rất rắc rối. Đến năm 2018 có Luật Hình sự mới quy định lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất, tức là lãi suất khoảng 8,33%/tháng và cộng thêm tình tiết thu lợi bất chính (30 triệu trở lên) được xem là có tội.
Theo ông Minh, do vướng mắc về luật nên điển hình khởi tố như vụ án ở Q.Tân Phú khó triển khai cho các đơn vị khác. Bộ Công an, Công an TP.HCM xác định giao cho lực lượng hình sự đấu tranh, điều tra với loại tội phạm này nhưng cho vay nặng lãi lại nằm trong vi phạm trong tài chính chứ không phải tội hình sự.
Ngoài ra, Nghị định 96 quy định xử phạt hành chính về hoạt động tiền tệ, ngoại hối cũng chỉ xử phạt đối với tổ chức do Ngân hàng Nhà nước cấp phép chứ không xử phạt cá nhân.
“Hiện nay về pháp luật hành chính có rất nhiều chỗ hở mà trước đây chúng ta ngộ nhận đó là giao dịch dân sự hai bên tự thỏa thuận với nhau khiến cho hiện nay việc xử lý không đủ sức răn đe. Đặc biệt công an xử lý việc này cũng thấy bức xúc”, tướng Minh nhấn mạnh và cho hay do luật như vậy nên từ năm 2016 công an không có xử phạt liên quan đến tiền tệ.
Cũng theo ông Minh, vừa rồi TP.Cần Thơ xử phạt vụ đổi 100 USD, qua theo dõi, ông Minh cho hay Quốc hội đang đề nghị Chính phủ sửa một số luật liên quan và nếu sửa một cách đồng bộ sẽ có cơ sở pháp lý xử lý vi phạm.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn