Vụ sai phạm nghiêm trọng tại IPC: Những ai liên quan có thể bị xử lý?

Thứ bảy, 18/05/2019, 09:02
Ngoài Sadeco, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đang điều tra làm rõ IPC cũng dùng 'chiêu trò' tăng vốn điều lệ, bán cổ phần tại Công ty CP KCN Hiệp Phước cho đối tác chiến lược với giá “bèo”.

Khu biệt thự cao cấp sông Ông Lớn (H.Bình Chánh, TP.HCM) do Sadeco làm chủ đầu tư

Ngày 17.5, theo nguồn tin của PV, ngoài Sadeco, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đang điều tra làm rõ IPC cũng dùng “chiêu trò” tăng vốn điều lệ, bán cổ phần tại Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC) cho đối tác chiến lược với giá “bèo”, gây thiệt hại cho nhà nước.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 14 - 15.5, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty liên kết IPC), để điều tra về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Trụ sở của IPC tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM)

Đáng chú ý, đến nay Cơ quan CSĐT xác định ông Dũng, bà Phúc gây thất thoát hơn 150 tỉ đồng và số tiền duyệt chi tham ô cho bị can cùng một số người khác là 1,1 tỉ đồng.

Hơn 150 tỉ đồng bị “bốc hơi”

Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT, tháng 3.2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần tại Sadeco (chiếm tỷ lệ 30,8% vốn góp của IPC tại Sadeco) với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, sau đó Công ty CP bất động sản Exim (Công ty Exim) mua được cổ phần này với giá 26.100 đồng/cổ phần. Sau phiên đấu giá này, IPC từ tỷ lệ góp vốn 74,8% xuống còn 44% tại Sadeco (lúc này vốn điều lệ tại Sadeco là 170 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) sở hữu vốn góp tại Sadeco là gần 24 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 14,1%), Văn phòng Thành ủy vốn góp hơn 4,38 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 2,6%), số còn lại của cổ đông cá nhân và tổ chức khác.

Hơn 1 năm sau, Công ty CP đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) mua hơn 5,2 triệu cổ phần của Công ty Exim với giá 57.000 đồng/cổ phần. Để thâu tóm Sadeco, cuối năm 2016 - đầu năm 2017, Công ty Nguyễn Kim đề xuất IPC, Sadeco và được quyền mua thêm 9 triệu cổ phần (với giá 40.000 đồng/cổ phần) phát hành cho đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ Sadeco từ 170 tỉ đồng lên 260 tỉ đồng, trong đó 90 tỉ đồng tăng vốn điều lệ, 270 tỉ đồng còn lại thặng dư vốn.

Theo cơ quan điều tra, việc mua bán này sai phạm nghiêm trọng vì chấp thuận sử dụng kết quả giám định của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai pháp luật để phát hành cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại lớn cho Sadeco và nhà nước. So với giá Công ty Exim chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phần trước đây thì phi vụ này, ông Dũng, bà Phúc đã gây thiệt hại ít nhất hơn 150 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT xác định ông Dũng, bà Phúc còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đề xuất, duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng HĐQT, Ban kiểm soát cho mình và các thành viên HĐQT khác sử dụng cá nhân hơn 1 tỉ đồng là trái quy định pháp luật, vượt thẩm quyền được giao.

“Hủy kèo” để đối phó thanh tra

Theo kết luận của Thanh tra TP (TTTP), từ năm 2012 - 2015, HIPC (vốn điều lệ 300 tỉ đồng, trong đó IPC sở hữu 60,8% tỷ lệ góp vốn, tương đương 182,4 tỉ đồng) đang làm ăn ngon lành thì giữa năm 2016, nhóm đại diện vốn tại HIPC bất ngờ gửi công văn thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của IPC về phương án tăng vốn phát hành 30 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 600 tỉ đồng. Theo phương án tăng vốn sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu 10 triệu cổ phần, 20 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược. Với sự đồng tình và biểu quyết thống nhất của lãnh đạo IPC, nhóm đại diện vốn tại HIPC, Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Công ty Tuấn Lộc) mua được 20 triệu cổ phần nói trên với giá 15.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, kết luận TTTP cho rằng việc sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty MHD để xác định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là không đúng quy định. Thêm nữa, qua phân tích, đánh giá về giá phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược 15.000 đồng/cổ phần là thấp hơn giá trị sổ sách, chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực tế tài sản, tiềm năng phát triển của HIPC, không đảm bảo lợi ích cho HIPC (trong đó cổ đông nhà nước chiếm tỷ lệ 60,8%). Sau phi vụ này, IPC giảm tỷ lệ góp vốn tại HIPC từ 60,8% xuống còn 40,5%.

Khi bị TTTP phát hiện sai phạm, ngày 10.9.2018, IPC, HIPC “hủy kèo” với Công ty Tuấn Lộc, mua lại 20 triệu cổ phần trước đây bán cho đối tác chiến lược này. Theo TTTP, việc “hủy kèo” này trong quá trình đang thanh tra là có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, sau khi tiếp nhận kết luận của TTTP chuyển qua, Cơ quan CSĐT phát hiện việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại HIPC có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, không đảm bảo lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước.

Còn những ai liên quan?

Chiêu “hủy kèo” nói trên khiến dư luận liên tưởng đến “đại án” AVG. Lúc đầu người dân cũng băn khoăn vụ việc có bị "chìm xuồng", những người liên quan có bị xử lý hay không khi "hủy kèo" mua bán. Song hoài nghi đó đã được xóa tan khi “bộ sậu” bên bán, bên mua đều bị khởi tố.

Đến nay khi ông Dũng, bà Phúc đã bị tạm giam, lãnh đạo HIPC cũng đang bị điều tra, nhưng dư luận vẫn thắc mắc về các đối tác chiến lược (bên mua) có liên quan không? Về vụ việc này, một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết Cơ quan CSĐT đang điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí; nhưng hướng điều tra được mở rộng cả về đối tượng mua bán theo tinh thần xử lý nghiêm minh bất cứ đối tượng nào liên quan vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN), việc ông Dũng, bà Phúc bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và chủ thể của 2 tội danh này là người có chức vụ, quyền hạn đã có những hành vi sai phạm tác động đến tài sản mà người phạm tội quản lý. Vì vậy, rất khó đặt trách nhiệm hình sự của Công ty Nguyễn Kim trong sai phạm xảy ra tại IPC, với vai trò đồng phạm.

“Tuy nhiên, quá trình điều tra, nếu chứng minh được bên mua có hành vi đưa hối lộ để được mua cổ phiếu Sadeco với giá “bèo”, trái quy định thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan tại Công ty Nguyễn Kim về tội danh đưa hối lộ”, luật sư Hậu cho hay.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn