|
Nhân viên ở ga lấy tay che “mắt thần” để giữ cửa cho khách mua vé lụi vào ga lên tàu |
Sau nhiều tuần vào cuộc điều tra, PV đã Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi. Loạt bài đã khơi trúng những ẩn ức lâu nay của nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên khi phải chịu cảnh đi tàu vé lụi.
Tiền thất thoát không nhỏ
BĐ Nguyễn Hải Minh (TP.HCM) kể: “Tuyến đường Sài Gòn - Phan Thiết cuối tuần thường xuyên hết vé; đầu tuần, tuyến Phan Thiết - Sài Gòn cũng vậy... Có lần buộc phải đi vé “lụi”, tôi “được” ngồi trong toa riêng, có giường nằm của nhân viên trên tàu. Ca bin 6 giường, 4 giường phía trên có 4 khách được nằm; 2 giường dưới cùng, mỗi giường được nhét 2 người để ngồi cúi lưng suốt 4 tiếng. Rất nhiều hành khách muốn đi tàu nhưng hết vé buộc phải đi các phương tiện khác. Phản ánh của tôi trên đây là ở thời điểm bình thường trong năm, không phải cận Tết để nhà tàu điều toa đi tuyến xa…”.
BĐ Nguyễn Tuân (TP.HCM) cho biết thêm: “Đợt Tết 2018 tôi có đi tàu TN4 từ Sài Gòn ra Hà Nội, mua vé ngồi tăng cường toa 4 giường. Vì đi có con nhỏ nên tôi “bao” hết 3 ghế đó. Con tôi lần đầu đi tàu nên chạy ra hành lang chơi do vậy ghế trống rất rộng. Lát sau thấy anh nhân viên dắt một cô nhét vào ghế của tôi mua bảo: “Em ngồi tạm đây chờ anh thu xếp!”, rồi hỏi tôi giọng hoạnh họe: “Anh kia, ngồi toa nào đấy?”. Tôi lấy 3 vé ra anh ta mới xin lỗi và xin ngồi nhờ. Hỏi cô gái thì bảo là không mua được vé được “cò” dẫn vào đi “chui”... Một thời gian dài như vậy thì số tiền thất thoát là không nhỏ”.
Nhân viên trên tàu nhận tiền vé lụi từ khách |
Trong khi đó, BĐ Hoan (Hà Nội) kể: “Tôi mua vé 2 lần từ ga Hà Nội, kiểm tra trên web thấy còn trống tầng 1 nhưng đặt không được. Tôi ra ga luôn để mua trực tiếp thì được báo tầng 1 hết chỗ, đành mua tầng 2. Đến khi lên tàu mới thấy giường tầng 1 trống, và nhân viên tàu dẫn người vào nằm, thấy đổi người mấy lần, sau mới hiểu tầng 1 dễ cho người vào người ra”.
“Tôi là khách đi tàu còn thấy”
Rất nhiều BĐ cũng bức xúc khi tình trạng vé lụi tồn tại từ rất lâu, nhưng ngành đường sắt không có giải pháp hữu hiệu. BĐ Võ Thảo (Long An) viết: “Từ Sài Gòn đi Hà Nội, chỉ cần mua vé đến Dĩ An; lên tàu trả thêm tiền là được nằm mềm hoặc ngồi mềm. Đề nghị Bộ Công an vào cuộc để xử lý nghiêm, chắc chắn là có bao che. Tôi là dân thường mà còn thấy. Năm nào cũng ra vô Sài Gòn - Huế 4 lần. Thấy bức xúc lắm!”. “Là hành khách đi tàu, tôi cũng gặp các trường hợp đi vé lụi trên tàu. Nhân viên trên tàu thu tiền trực tiếp từ khách hàng. Đề nghị đường sắt xem lại nhân viên của mình, chấn chỉnh cách làm để đường sắt ngày càng tốt hơn”, BĐ Võ Văn Hiền (TP.HCM) viết.
Bên cạnh “tố” vé lụi, nhiều BĐ còn góp ý về thái độ và các tổ chức hoạt động của tàu. BĐ Việt Cường (Quảng Ngãi) cho biết ngày 30.6.2019 đi tàu từ ga Quảng Ngãi về Sài Gòn đã “chứng kiến khá nhiều cảnh chướng tai gai mắt”. “Phòng nhân viên đầy người không vé, nhân viên thì trải ghế bố (một dịch vụ mới trên tàu) cho hành khách nằm giữa hành lang đi lại và gần cửa phòng vệ sinh, hành khách không vé đi ghế súp với nhân viên nằm la liệt trước cửa phòng vệ sinh, rửa mặt, tạo nên một cảnh tượng bát nháo chưa từng thấy”, BĐ liệt kê và cho biết sẵn sàng cung cấp những hình ảnh đã chụp được trên chuyến tàu để PV phản ánh và ngành đường sắt chấn chỉnh.
Như thế này thì trách sao ngành đường sắt không thua lỗ? Trà Quang Doan (Quảng Nam) |
Theo Thanh Niên