Chống tội phạm, hàng lậu, hàng giả chưa có chuyển biến căn bản

Thứ sáu, 26/07/2019, 09:46
Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa được tổ chức.

Hàng lậu được tuồn vào Việt Nam qua những con đường mòn giáp biên

Hàng lậu, hàng giả xuất xứ ngày càng tinh vi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389, cho biết đang nổi lên tình trạng buôn bán hàng hóa ghi sai xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác "made in Vietnam". Các hành vi gian lận thương mại này gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cho biết thêm phương thức, thủ đoạn phổ biến là nhập khẩu toàn bộ rồi thay đổi xuất xứ, thay nhãn hoặc nhập nguyên liệu lắp ráp sơ sài rồi thay đổi xuất xứ, sang nhãn. Tuy nhiên, công tác phòng chống còn khó khăn như truy xuất nguồn gốc khó xác định, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn và căn cứ để kiểm tra.

Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai nhiều nơi. Điển hình như vụ hàng thời trang có tổng giá hàng chục tỷ đồng vừa phát hiện vào đầu tháng 7 ở trung tâm mua sắm ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết hiện đang giữ trên 10.000 container tại các cảng, cửa khẩu. Tuy nhiên, khi tiến hành chặn các vụ vi phạm, đối tượng lại dùng thủ đoạn tạm nhập tái xuất hoặc nhập qua các cảng biển các nước lân cận, sau đó tập kết ở đường biên rồi xé lẻ để đi vào nội địa.

Đứng trước thực trạng này, Phó Thủ tướng lo lắng cho rằng vấn đề gian lận xuất xứ của Việt Nam khi bị phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ đối ngoại, xuất khẩu, ảnh hưởng đặc biệt nặng nề tới các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp với Bộ Công an trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình.

Ông yêu cầu: “Đề nghị khảo sát kỹ, tập trung phối hợp với Bộ Công an, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ, làm đúng bản chất, xác định rõ nhập hàng hóa từ nước ngoài vào rồi làm giả xuất xứ Việt Nam để đưa đi nước ngoài”.

Tội phạm ngay trong lực lượng chức năng

“Chúng ta nói nhiều về trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tế chưa thực hiện nghiêm. Sau nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương và Trung ương, người đứng đầu vẫn chưa bị xem xét trách nhiệm để xử lý đúng mức”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Kết luận Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 (phòng chống tội phạm) và Ban chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá “chưa có chuyển biến căn bản”. Ông chỉ ra tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

"Tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thời gian tới. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Ông đề nghị nghiên cứu thực hiện thí điểm không bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.Hà Nội, TP.HCM, Long An, An Giang... từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc người địa phương.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các chuyên đề ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Nhanh chóng triển khai biện pháp phối hợp ngăn chặn

Ngay trong ngày 25/7/2019, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại đã có văn bản gửi 11 bộ,ngành như: Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Tài chính, Công thương… yêu cầu lập kế hoạch ngăn chặn, phòng chống hàng hóa gian lận nhãn mác, giả xuất xứ Việt Nam.

5814-bat-giu-7297-1564077206.jpg

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: Truyền hình Lạng Sơn

Theo Ban chỉ đạo 389, mục đích của việc ngăn chặn hàng hóa sản xuất nước ngoài nhưng gắn nhãn "made in Vietnam" là để bảo vệ sản xuất trong nước, uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần chống thất thu thuế. Đồng thời, các giải pháp đưa ra còn để ngăn chặn việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng sang nước thứ ba.

Bộ Công an cần chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường nắm tính hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản ý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, chốt chặn tại một số đường mòn trọng điểm nhằm ngăn chặn tình trạng mang vác vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam qua biên giới.

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan kiểm tra chặt chẽ khai báo mã HS cho hàng nhập khẩu của doanh nghiệp, không để các đối tượng cố tình khai báo sai mã HS của các nguyên liệu nhập khẩu để làm căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại các đơn vị cấp C/O.

Cơ quan thuế phát hiện các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất thường, chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để xử lý kịp thời. Kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng hóa đơn quy vòng để hợp thức hóa các loại hàng hóa nhập lậu, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp làm căn cứ xác định nguồn gốc nguyên liệu đầu vào trong nước để giả mạo nhãn mác, xuất xứ hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương đẩy mạnh rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước để kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Bộ Công thương và VCCI kiểm tra chặt chẽ việc cấp C/O theo các Hiệp định thương mại. Cơ quan QLTT tăng cường công tác kiểm soát thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Theo DNSG

Các tin cũ hơn