Ngoài hai tội rất quen thuộc là đưa - nhận hối lộ thì còn có tội mới toanh là tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội này chỉ mới được quy định ở Điều 220 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) với đối tượng bị tác động là vốn đầu tư công. Đây là loại tội áp dụng cho những người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi vi phạm gây thiệt hại theo quy định. Gồm có vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; về quyết định đầu tư chương trình, dự án; về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.
Ông Nguyễn Bắc Son tại tòa. |
Theo ghi nhận tóm tắt của báo chí thì cáo trạng đã bắt tội này đối với cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son ở chỗ vượt mặt Thủ tướng (khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) trong việc đầu tư dự án. Chi tiết hơn, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận thì ông Son đã chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn - thứ trưởng thời đó và là bộ trưởng sau này - ký quyết định.
Cũng theo cáo trạng thì ông Son đã chỉ đạo hai lãnh đạo của MobiFone ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG. Hậu quả là AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone với giá cao hơn giá trị thật rất nhiều lần khiến Nhà nước bị thiệt hại gần 6.600 tỉ đồng.
Ở buổi đầu phiên tòa, bị cáo Son đã có một lời khai có liên quan đến Thủ tướng thời trước làm nhiều người khá quan tâm. Đại ý là ông Son có bút phê giao cấp dưới xúc tiến việc mua cổ phần đó theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chứ không phải theo ý muốn của cá nhân ông. Lời khai nhận này có làm ảnh hưởng gì đến cáo buộc đã nêu của VKSND Tối cao?
Phải nói ngay đúng là Thủ tướng từng có chỉ đạo về việc mua cổ phần giữa MobiFone với AVG. Cáo trạng của VKSND Tối cao có ghi nhận: Ngày 14-12-2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2678 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến MobiFone - AVG.
Theo công văn này thì Thủ tướng “chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TT&TT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật”.
Thế nhưng cần lưu ý là theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp áp dụng cho dự án nhóm A, Thủ tướng có thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp (mua lại một phần doanh nghiệp).
Quyết định chủ trương đầu tư đó phải được ban hành theo thể loại văn bản là quyết định, có chữ ký của Thủ tướng (hoặc được một Phó Thủ tướng ký thay). Tức không thể chỉ là một ý kiến chấp thuận được Văn phòng Chính phủ truyền đạt qua công văn.
Phân tích thêm, ý kiến “chấp thuận chủ trương” chỉ là ý kiến bước đầu của Thủ tướng để hai cựu bộ trưởng Son, Tuấn có thể chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị hồ sơ dự án. Đợi sau khi được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chính thức thì Bộ TT&TT mới có đủ căn cứ pháp lý để triển khai.
Còn như làm khác đi, khi chưa có quyết định có chữ ký của Thủ tướng mà vẫn ký quyết định đầu tư dự án để MobiFone ký kết hợp đồng với AVG gây thiệt hại cho vốn của Nhà nước thì xem như các ông đã làm sai luật.
Xét theo Điều 220 BLHS hiện hành thì hai bị cáo Son, Tuấn đã có dấu hiệu vi phạm quy định về quyết định đầu tư dự án. Cụ thể là hai bị cáo đã cho phép đầu tư dự án khi chưa được Thủ tướng là người có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Và tất nhiên, cả hai có phạm tội này hay không và mức án là bao nhiêu thì phải chờ ngày mai (28-12), TAND TP.Hà Nội ra phán quyết mới rõ được.
Theo PLO