Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), trung tá Đào Trung Hiếu, cho biết Facebook và YouTube đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tay "anh chị" tung hoành. Đó là Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền, Huấn "hoa hồng", Quang "rambo", Phú "lê", Tuấn "trọc", Đường "nhuệ"...
Đặc điểm chung của họ đều xuất thân là "dân anh chị" ngoài xã hội, có quá khứ phạm tội hoặc có nhiều mối quan hệ phức tạp.
Trong các clip tự sản xuất, "giang hồ mạng" đều xuất hiện với hình ảnh cơ thể nặng trĩu vàng, khắp người vằn vện xăm trổ. Các clip sặc mùi bạo lực, ân oán giang hồ. Những cảnh va chạm với đao kiếm, súng đạn, cùng những lời chửi thề tục tĩu, dằn mặt nhau được trình diễn công khai...
Một số khác lại khoe khoang cuộc sống hào nhoáng, thể hiện qua những cuộc ăn nhậu, đi bar, khoe tiền.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà "giang hồ mạng" thi nhau lên sóng như vậy. Trước hết, chúng làm để tạo “thương hiệu”, khẳng định đẳng cấp trong thế giới ngầm; thứ 2, họ làm vì tiền.
Các trang YouTube có đông người theo dõi, được nhà phát triển ứng dụng trả tiền. Khá "bảnh" kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng từ YouTube là minh chứng cho điều này.
Đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ cư dân mạng, nhất là giới trẻ, tỏ ra háo hức chờ đón, tung hô những ấn phẩm phản văn hóa đó. Thể hiện qua việc Facebook của giang hồ mạng có tới vài trăm nghìn lượt theo dõi. Mỗi status, clip livestream có đến vài nghìn like, cùng hàng chục nghìn bình luận. Trên YouTube, các clip của giang hồ mạng ghi nhận lượt xem từ vài trăm nghìn đến vài triệu người.
Sự cuồng mộ của một bộ phận giới trẻ không dừng lại trên không gian mạng, mà đã hiện ra trên mặt đất. Nhiều người hẳn chưa thể quên chuyện Khá "bảnh" và Dương Minh Tuyền trước khi bị bắt đã được một số người chào đón như những thần tượng.
Với góc độ của một chuyên gia, trung tá Đào Trung Hiếu chỉ ra nguyên nhân sự lệch lạc trên, giới trẻ thường quan tâm đến cái mới lạ, phá cách. "Giang hồ mạng" đã tạo ra những hình ảnh có vẻ hảo hán nghĩa hiệp, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, nói thẳng sống thật, không che giấu thân phận...
Giới trẻ còn hạn chế về nhận thức, khả năng nhận biết, phân biệt tốt xấu, đúng sai; đặc biệt tâm lý bầy đàn, a dua trong một số bộ phận học sinh, sinh viên.
Thứ ba, sự tranh cãi tốt xấu (báo chí, mạng xã hội...) về các chế phẩm văn hóa kéo theo sự tò mò của cộng đồng mạng, kích thích việc truy cập, theo dõi. Thông thường, cái gì hay nhắc tới, gây tranh cãi, xuất hiện nhiều thì sẽ càng thu hút người ta xem nó là gì. Giới trẻ không được định hướng, giáo dục về kỹ năng sống nên định hướng về thẩm mỹ, giá trị bị "lệch lạc".
Nhóm "Giang hồ mạng" lần lượt bị bắt gồm Phú "lê", Dũng "trọc", Đường "nhuệ" (từ trái qua). Ảnh: Facebook nhân vật. |
Trung tá Hiếu nhận định "giang hồ mạng" tác động tiêu cực lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ, tạo ra những phẩm chất tâm lý sai lệch. Việc tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ quái gở, tục tĩu, phản cảm, bạo lực, ngông cuồng khiến người trẻ cho rằng hành vi đó đúng, được xã hội thừa nhận.
Một khi coi giang hồ là thần tượng thì sẽ nảy sinh xu hướng tâm lý bắt chước, làm theo, noi gương. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật có thể được bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu này.
Trên thực tế, thói côn đồ hung hãn, ưa thích bạo lực là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, giết người, cố ý gây thương tích, đâm thuê chém mướn.
Bên cạnh đó, những clip trên cũng chính là tác nhân gây ra bạo lực học đường. Học sinh rất dễ bắt chước và làm theo. Từ đó có thể hình thành nên những nhóm đầu gấu, đại ca trường học, quy tụ đàn em... lấy việc bắt nạt, đánh bạn để hư trương thanh thế, tạo đẳng cấp, tên tuổi cho mình.
Việc cơ quan chức năng xử lý những kẻ trên là để đảm bảo an ninh an toàn mạng, đảm bảo sự lành mạnh trong thông tin mạng và giảm bớt những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên và những người sử dụng mạng xã hội.
Triệt phá "giang hồ mạng", xóa bỏ những hình tượng xấu trên mạng xã hội là việc làm cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn và đảm bảo sự hình thành phát triển nhân cách của thế hệ trẻ không bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực này, đảm bảo môi trường mạng văn minh, an toàn, lành mạnh và hướng thiện.
Để ngăn chặn hiện tượng "giang hồ mạng", cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng. Trong đó, ngành văn hóa, thông tin cần làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xóa bỏ các tài khoản thường đăng tải thông tin phản văn hóa.
Ngành công an thường xuyên nắm tình hình trên mạng, phát hiện các thông tin phản văn hóa, kiến nghị ngành hữu quan xử lý theo luật an ninh mạng. Tiến hành điều tra xác minh về các nhân vật giang hồ, phát hiện những tội lỗi, sai phạm để xử lý.
Việc triệt từ gốc mầm mống này sẽ ngăn chặn việc lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi nói trên. Ngành thuế cần điều tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân đối với những tài khoản mạng xã hội của giang hồ có đông người theo dõi, truy cập.
Ngoài ra gia đình, nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, giúp trẻ có định hướng giá trị đúng đắn. Tổ chức tọa đàm về các hiện tượng này, cho học sinh thuyết trình, phân tích đúng sai. Các phương tiện truyền thông báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để định hướng dư luận; cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ những hiện tượng bất thường trên mạng xã hội...