'Giang hồ mạng' đang đầu độc giới trẻ thế nào?

Thứ bảy, 22/08/2020, 13:34
Khi giang hồ từ ngoài đời thật xâm lấn không gian mạng cũng sẽ mang lại những nguy hiểm không khác gì giang hồ ngoài đời.

Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều "giang hồ mạng" – chủ nhân của những kênh YouTube “triệu views” như Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền, Phú Lê, Dũng Trọc,… Điều đáng nói là các video clip rất phản cảm và mang tính bạo lực, thiếu văn hóa, song vẫn thu hút được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ. Có không ít bạn trẻ tung hô, cổ xúy, thậm chí là thần tượng những "giang hồ mạng" này.

Bình luận về hiện tượng này trên mạng xã hội thời gian qua, nhà báo Ngô Bá Lục, Phó Tổng biên tập phụ trách của Tạp chí Sân khấu cho rằng, chỉ thời đại bây giờ mới có khái niệm “giang hồ online”.

“Có thể nói YouTube như một cái chợ nhưng ban quản lý chợ lại không phải ở Việt Nam mà ở nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều thứ không tốt được xuất hiện trên YouTube. Trên đó có quá nhiều thông tin vừa tốt, vừa xấu và hiện tượng "giang hồ online" thì chỉ thời đại bây giờ mới có.

Khi giang hồ từ ngoài đời thật xâm lấn không gian mạng cũng sẽ mang lại những nguy hiểm không khác gì giang hồ ngoài đời. Mặc dù chúng ta đã có một số biện pháp nhưng hiện tượng này vẫn chưa được triệt tiêu hết và đây là điều thực sự đáng lo ngại” - nhà báo Ngô Bá Lục cho biết.

'Giang hồ mạng' đang đầu độc giới trẻ thế nào? - 1

Từ trái qua: Khá 'bảnh', Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn 'hoa hồng'. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Những video của các giang hồ mạng đều mang nội dung xấu, nhảm nhí, thậm chí là vi phạm đạo đức xã hội. Tuy nhiên, chúng vẫn dễ dàng được nhiều người chấp nhận, thậm chí tung hô, nhất là các bạn trẻ.

Lý giải về điều này, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc bản thân người xem ở lứa tuổi teen là chính và chưa có nhận thức đúng đắn. Bản thân con người có những điều rất muốn nói, thích được nói nhưng không dám nói hoặc không được phép nói.

Vì vậy, khi có người trên mạng xã hội nói ra những điều mà người ta không sợ gì, kể cả văng tục, nói bậy hay làm những thứ lố lăng lại được bộ phận những người đang có nhu cầu được nói những điều như vậy ủng hộ. Đối tượng nghe "giang hồ mạng" nhiều nhất là lứa tuổi dưới 20 tuổi – lứa tuổi chưa có sự kiểm soát và nhận thức đúng đắn.

Những clip, video của các "giang hồ mạng" hiện nay đang là một câu chuyện khiến xã hội rất quan tâm. Chia sẻ về lý do khiến giới trẻ hứng thú với những video có hình ảnh phản ánh đời sống của dân anh chị, hay còn được gọi là "dân xã hội" mà vốn từ trước đến nay chỉ có trong phim ảnh, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, nhiều "giang hồ mạng" rất giỏi khi có thể đánh bóng bản thân và che giấu đi bản chất của mình.

Vì vậy, nhiều người cũng có sự ngưỡng mộ đối với "giang hồ mạng" vì chưa nhìn được hình ảnh họ ăn cướp, đánh nhau ở đâu, nhưng lại thấy được những hình ảnh họ làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ những người yếu thế.

"Sự đánh bóng bản thân của họ đã là yếu tố lừa đảo rất nhiều người, thu hút được nhiều người hâm mộ. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều bạn trẻ cũng biết đây là cái xấu, là kẻ giang hồ, không phải những người tốt nhưng người ta vẫn thích”-nhà báo Ngô Bá Lục cho biết.

Có thể thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang coi trọng giá trị cá nhân hơn. Các em coi việc tìm kiếm những yếu tố kích thích, thú vị, mới lạ trong cuộc sống như một cách thư giãn. Chính vì vậy, những hành vi phá vỡ nguyên tắc, thể hiện cá tính, thậm chí là nguy hiểm, vi phạm pháp luật cũng được các em nhìn nhận là mang tính giải trí. Tuy nhiên, từ sự hiếu kỳ dẫn đến việc bắt chước, học theo những hành vi lệch chuẩn này lại là ranh giới rất mong manh.

'Giang hồ mạng' đang đầu độc giới trẻ thế nào? - 2

Nhà báo Ngô Bá Lục trong một cuộc trả lời phỏng vấn của VOV.

Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, các em có quyền được khám phá vì bản thân các em khi ở tuổi mới lớn có quá nhiều sự tò mò về đời sống. Chính vì vậy, vấn đề cần giải quyết là cha mẹ phải quản lý và định hướng các con sao cho đúng đắn.

“Khi các em có quá nhiều áp lực trong đời sống như phải ngoan, phải đúng giờ, học bài ở trường, học thêm,…mà không được giải trí thì càng có nhu cầu thích khám phá về đời sống. Những video của "giang hồ mạng" lại chính là nguồn khiến các em tìm được sự đồng cảm với chính bản thân mình.

Đây là điều rất nguy hiểm mà nhiều bố mẹ đang không quan tâm đến chuyện này. Nhu cầu tò mò, tìm hiểu và thần tượng của các em là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần làm là phải quản lý và định hướng các em như thế nào” - nhà báo Ngô Bá Lục phân tích.

Những hình mẫu "giang hồ mạng" hiện nay cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trong giới trẻ. Theo nhà báo Ngô Bá Lục, tâm lý muốn được giải tỏa, muốn được động chân động tay của các em dẫn đến việc khi có mâu thuẫn trong đời sống, giữa bạn bè thì các em sẵn sàng đánh nhau và coi đó là chuyện bình thường.

"Các em chỉ xem được hình ảnh của các "giang hồ mạng" và có thể coi họ là anh hùng hảo hán của thời đại mới chứ không hề biết chúng ta đang lên án họ như thế nào. Vì vậy, khi các em đã có những bức xúc trong bản thân mình mà lại được kích thích, tiếp lửa bởi những kẻ "giang hồ mạng" thì các em có thể trở thành kẻ bạo lực ở ngoài đời”.

Trả lời câu hỏi việc giới trẻ thích những clip của "giang hồ mạng" nguy hiểm như thế nào đối với sự phát triển nhân cách của giới trẻ, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, những hành động bạo lực là điều khác thường đối với mình nhưng đối với các em lại là sự mạnh mẽ, phóng khoáng và cho đó là hành động đúng. Việc các em tiếp xúc với quá nhiều thứ độc hại trên mạng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của các em. Điều đó tạo cho các em một thói quen và ngấm dần thành bản chất mà nếu gia đình không can thiệp sớm thì các em rất khó kiểm soát được bản thân.

Những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ hay tình trạng bạo lực trong giới trẻ xuất hiện ngày một nhiều. Đây chính là hệ lụy không thể tránh khỏi của tình trạng "giang hồ mạng". Việc trẻ tiếp cận mạng xã hội hiện nay là rất nhiều nhưng việc lọc thông tin trên mạng xã hội lại chưa được định hướng.

Để khắc phục tình trạng này, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, nhà trường cần phải có những chiến dịch, hoạt động cộng đồng để cho các con nhận thức đúng về các vấn đề trên mạng; xã hội phải có sự thay đổi về mặt luật pháp để quản lý nội dung trên mạng sao cho phù hợp. Cuối cùng, gia đình là yếu tố quan trọng nhất, cha mẹ cần làm bạn với các con để hiểu tâm tư nguyện vọng của con và định hướng nội dung trên mạng mà các con theo dõi một cách đúng đắn nhất.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn