Phó Chủ tịch TP.HCM: 'Tất cả trẻ tạm trú sẽ có chỗ học'

Thứ hai, 24/08/2020, 17:32
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, ưu tiên của thành phố là đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh, không phân biệt hộ khẩu hay tạm trú.

UBND TP.HCM sẽ sắp xếp để tất cả học sinh độ tuổi đến trường có chỗ học, đảm bảo đủ các điều kiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Dương Anh Đức nói khi họp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Phòng Giáo dục 24 quận huyện, ngày 24/8.

TP.HCM nhiều năm qua chịu áp lực lớn về gia tăng dân số, trung bình 5 năm thêm một triệu dân, kéo theo số lượng học sinh tăng mạnh qua các năm trong khi điều kiện cơ sở vật chất không theo kịp.

Ông Dương Anh Đức lấy ví dụ, ở huyện Bình Chánh có hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, dân số lên đến 250.000 người, dù đã xây 7 trường tiểu học nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức tại cuộc họp bàn về tuyển sinh đầu cấp với ngành giáo dục, sáng 24/8. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại cuộc họp bàn về tuyển sinh đầu cấp với ngành giáo dục, sáng 24/8. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đại diện Phòng Giáo dục quận 12 cho biết, dù đã đẩy sĩ số lên 50 em mỗi lớp nhưng địa phương vẫn còn gần 1.000 trẻ chưa tìm được chỗ học công lập do KT3 chưa đủ một năm. Gia đình các em phần lớn là lao động nghèo, không có điều kiện cho con học trường tư.

Để có thể nhận tất cả các em này, quận 12 đề xuất giảm tỷ lệ học sinh học hai buổi để lấy phòng học.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đồng thuận phương án trên, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chuyên môn cụ thể cho quận.

Việc giảm tỷ lệ học hai buổi, bán trú, tăng sĩ số lớp để nhận học sinh được xem là giải pháp ban đầu để đảm bảo chỗ học cho các em. Về lâu dài, ông Đức giao các sở ngành có đề án quy hoạch trường học, mức hỗ trợ cho học sinh khó khăn học ở trường tư... để UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua.

"Mỗi học sinh phải chịu hy sinh quyền lợi một chút để tất cả các em đều được đến trường. Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ của phụ huynh, trong việc lựa chọn chỗ học, chỗ làm việc, tránh đổ dồn về một nơi nào đó sẽ rất khó cho thành phố", ông Đức nói.

Chị Nguyễn Ngọc Châu ở khu nhà trọ phường Tân Thới Nhất, quận 12 không xin được cho con vào lớp 1 trường công lập bởi KT3 chưa đủ một năm. Ảnh: Mạnh Tùng.

Chị Nguyễn Ngọc Châu ở khu nhà trọ phường Tân Thới Nhất, quận 12, không xin được cho con vào lớp 1 trường công lập bởi KT3 chưa đủ một năm. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021 thành phố có thêm hơn 54.600 học sinh, tăng nhiều nhất ở cấp THCS với 28.000 em. Phần lớn các quận huyện cơ bản đảm bảo yêu cầu cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 1 được học hai buổi, trừ 5 quận: 12, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân.

Theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, năm học mới quận có hơn 7.000 học sinh vào lớp 1. Chủ trương của quận là đảm bảo tất cả học sinh, không phân biệt hộ khẩu và tạm trú có chỗ học nên quận chấp nhận vượt chuẩn, sĩ số cao hơn quy định. Tỷ lệ học hai buổi của quận ở mức thấp, chỉ đạt 30%.

Ông Tân cho biết, nếu chấp nhận "xóa" hết các lớp học hai buổi cấp tiểu học sẽ đảm bảo cho tất cả học sinh lớp 1 được học hai buổi. Nhưng năm học tới, số học sinh lớp 5 ở quận ra trường chỉ hơn 5.000 - tức quận chỉ có thể nhận được từng đấy học sinh lớp 1 và cũng chỉ được học một buổi. "Đó là một bài toán rất khó mà chúng tôi không giải được", ông Tân chia sẻ.

Cuối tháng 9, lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ họp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở ngành liên quan, bàn phương án chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học 2021-2022 cả về chỗ học và đảm bảo tiêu chuẩn chương trình mới.

Mỗi năm TP.HCM đều tăng 50.000-60.000 học sinh do dân số cơ học tăng cao. Các quận huyện đều phải xoay xở đủ cách để đáp ứng chỗ học cho các em: xây trường mới, giảm tỷ lệ học hai buổi mỗi ngày và bán trú, tăng sĩ số lớp học...

Theo VNE

Các tin cũ hơn