Các hình ảnh biểu tình ở Belarus những ngày qua khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng biểu tình ở Ukraine sáu năm trước.
Những hình ảnh của cuộc biểu tình ở Belarus hiện tại khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng biểu tình Maidan ở Ukraine sáu năm trước khiến Tổng thống Viktor Yanukovych phải từ chức, mở ra một giai đoạn mới bất ổn và phức tạp hơn cho Ukraine (Nga sáp nhập Crimea, xung đột ở miền Đông). Thậm chí truyền thông Nga cũng đề cập đến các điểm tương đồng giữa tình hình Belarus hiện tại và Ukraine năm 2014.
Có thể thấy một số điểm tương đồng giữa Belarus hiện tại và Ukraine năm 2014. Cuộc biểu tình ở Belarus nhằm phản đối kết quả bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về Tổng thống Alexander Lukashenko (Tổng thống duy nhất ở Belarus tính tới thời điểm này, cầm quyền liên tục sáu nhiệm kỳ từ năm 1994 đến nay, chủ trương thân Nga). Trong khi đó, cuộc biểu tình ở Ukraine nhằm phản đối chủ trương thân Nga của Tổng thống Yanukovych. Cả Belarus và Ukraine đều từng là nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, cùng có biên giới với Nga lẫn Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, nếu quan sát sâu hơn không chỉ sẽ thấy thực chất điểm khác biệt của hai làn sóng biểu tình tại hai nước còn nhiều hơn cả điểm tương đồng, mà con đường đi phía trước của Belarus cũng sẽ không giống Ukraine, theo tạp chí Foreign Policy.
Biểu tình ở Minsk (Belarus) phản đối kết quả bầu cử Tổng thống. Ảnh: SERGEI GAPON/AFP/GETTY IMAGES
Ukraine không rắn với người biểu tình bằng Belarus
Thứ nhất, Tổng thống Belarus - ông Lukashenko hiện tại nhiều quyền lực hơn Tổng thống Ukraine - ông Yanukovych thời điểm năm 2014.
Trong hơn 1/4 thế kỷ nắm quyền, ông Lukashenko đã xây dựng một thể chế quyền lực được đánh giá mạnh hơn Ukraine rất nhiều. Có thể thấy nguy cơ tổn thương của người biểu tình ở Minsk và các TP khác của Belarus lớn hơn nhiều so với người biểu tình ở Ukraine sáu năm trước.
Tại Belarus, chỉ trong ba ngày biểu tình đầu tiên đã có khoảng 6.000 người bị bắt, 250 người bị thương, hai người chết. Trong khi đó tại Ukraine, sau hai tháng biểu tình diễn ra liên tục mới có những trường hợp chết đầu tiên và có tổng cộng khoảng 100 người chết trong nhiều tháng trời biểu tình.
Từ thực tế này có thể thấy được quyết tâm của nhà chức trách Belarus là chủ động trấn áp biểu tình trước khi người biểu tình có được lợi thế. Ngày 19-8, cảnh sát Belarus xác nhận có sử dụng đạn thật chống lại người biểu tình ở TP.Brest và đã có người bị thương.
Cơ quan an ninh Belarus đã triển khai lực lượng tinh nhuệ Alpha ra đường phố Minsk đối phó biểu tình. Một điểm lưu ý là Cơ quan an ninh Belarus vẫn sử dụng cái tên có từ hồi còn thuộc Liên bang Xô Viết: KGB. Có thông tin ứng viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya đã bỏ ra nước ngoài sau cuộc bầu cử, sau khi nhận nhiều lời đe dọa nhắm vào các con mình.
Thứ hai, theo Foreign Policy, Ukraine phần nào đã là một nước dân chủ khi làn sóng biểu tình Maidan nổ ra năm 2014. Chính cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine - ông John Herbst cũng công nhận thời điểm 2013-2014 tại Ukraine những tiếng nói chống đối đã xuất hiện và tồn tại.
Quan trọng hơn nữa, các cuộc bầu cử ở Ukraine được đánh giá tự do và công bằng hơn nhiều ở Belarus. Quốc hội Ukraine thời điểm đó đa số vẫn là những nhân vật ủng hộ Tổng thống Yanukovych nhưng vẫn có một bộ phận đối lập và bộ phận này đã nhanh chóng ủng hộ làn sóng biểu tình.
Như tôi đã cảnh cáo, sẽ không có cuộc biểu tình Maidan, dù mọi người có muốn thế nào đi nữa. Tổng thống Belarus ALEXANDER LUKASHENKO |
Yếu tố Nga
Thứ ba là sự khác nhau trong đặc trưng tự thân của hai nước cũng như của yếu tố Nga ở mỗi nước. Ở Ukraine, dễ dàng thấy sự chia rẽ ở các khu vực, từ ngôn ngữ đến chủ trương chính trị. Khu vực miền Đông nói tiếng Nga và thân Nga. Cuộc biểu tình năm 2014 đã buộc ông Yanukovych phải chạy sang Nga, phe đòi ly khai thân Nga ở các vùng Donetsk và Luhansk ở miền Đông tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng ra độc lập. Trong khi đó, khu vực miền Tây Ukraine lại thân phương Tây.
Ngược lại, Belarus không nhiều sự chia rẽ - về ngôn ngữ, tôn giáo, sắc tộc - để cho nước ngoài chẳng hạn như Nga khai thác. Thực tế này được ông Artyom Shraibman, nhà sáng lập tổ chức tư vấn chính trị Sense Analytics (trụ sở ở Minsk), xác nhận.
Thứ tư là sự khác nhau trong mục tiêu biểu tình của người dân hai nước. Người biểu tình ở Ukraine có mục tiêu rõ ràng: Lái đất nước đi theo đường hướng của châu Âu. Ông Yanukovych bị biểu tình phản đối vì bác bỏ tham gia Thỏa thuận liên kết EU - một hiệp ước giữa các thành viên EU và các nước không phải thành viên nhằm thiết lập khung hợp tác giữa các nước - mà chọn theo đuổi củng cố quan hệ với Nga.
Trong khi đó, theo ông Shraibman, người biểu tình Belarus chủ yếu xuống đường để thể hiện sự giận dữ chứ không theo đuổi mục tiêu rõ ràng và cũng không thực sự nỗ lực lật đổ chế độ.
Liệu Nga có can thiệp vào Belarus? Với những điểm khác nhau trên giữa hai làn sóng biểu tình, có thể thấy viễn cảnh của Belarus khó có thể giống với Ukraine sáu năm trước. Tuy nhiên, Foreign Policy cho rằng nếu Nga can thiệp vào Belarus thì mọi thứ có thể sẽ khác đi nhiều. Nga đã đồng ý hỗ trợ về an ninh trong trường hợp có đe dọa quân sự từ bên ngoài với Belarus. Ông Lukashenko đã hai lần nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi biểu tình nổ ra. Liệu Nga có can thiệp vào Belarus? Theo nhiều nhà quan sát, Nga sẽ khó đạt được thành công nếu đi bước này. Lý do, bản chất làn sóng biểu tình ở Belarus là phản đối ông Lukashenko, chứ không phải chống Nga và ủng hộ châu Âu như ở Ukraine sáu năm trước. Nếu Nga can thiệp vào Belarus chỉ để bảo vệ ông Lukashenko thì có nguy cơ tác dụng ngược: Người dân Belarus thêm bất bình với Nga. |
Theo PLO