"Xin chào, Nathan đây. Tôi đã rời Hong Kong và tiếp tục công việc vận động ở cấp độ quốc tế. Dựa trên đánh giá rủi ro, tôi sẽ không tiết lộ quá nhiều về nơi ở và tình hình cá nhân của mình", Nathan Law đăng trên Facebook đêm 1/7.
Vài giờ trước khi đưa ra thông báo rời khỏi đặc khu, Law đã xuất hiện làm chứng trực tuyến trước một phiên điều trần của quốc hội Mỹ về luật an ninh Hong Kong vừa được thông qua hôm 30/6.
"Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu rằng luật an ninh quốc gia được thiết kế riêng để nhắm mục tiêu vào bất cứ người nào", Law nói, thêm rằng cảm giác của anh khi rời Hong Kong "vô cùng ngổn ngang".
"Một mặt, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cũng như uy tín để tiếp tục công việc vận động quốc tế bên ngoài Hong Kong. Mặt khác, nó giống như đây là nơi bạn lớn lên và dành phần lớn cuộc đời ở đó, rồi bạn phải từ bỏ rất nhiều điều khi rời đi", Law cho biết.
Nathan Law bên ngoài tòa nhà của Hội đồng Lập pháp Hong Kong năm ngoái. Ảnh: AFP.
Nhà hoạt động Hong Kong cho biết anh không chắc sắp tới có thể quay lại thành phố hay không, song khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện "trách nhiệm vận động quốc tế".
Law từng là nhà lập pháp ở Hong Kong và từng bị bắt vì tham gia phong trào biểu tình "ô dù" do sinh viên lãnh đạo vào năm 2014 nhằm phản đối Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong năm 2017. Phong trào được gọi là biểu tình "ô dù" do người tham gia mang theo ô để che mưa, nắng và bảo vệ bản thân khi cảnh sát dùng hơi cay.
Law năm 2016 cùng Joshua Wong và Agnes Chow thành lập đảng Demosisto, với mục tiêu đòi quyền tự quyết cho đặc khu Hong Kong sau năm 2047, thời điểm hết hiệu lực của Tuyên bố chung Trung - Anh. Tuyên bố này quy định Hong Kong được quyền duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ riêng, độc lập với Trung Quốc đại lục theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" trong thời hạn 50 năm kể từ khi đặc khu được trao trả vào năm 1997.
Sau khi Law, Joshua Wong và Agnes Chow thông báo rời Demosisto ngay sau khi luật an ninh Hong Kong được thông qua, đảng này đã tuyên bố giải tán và ngừng mọi hoạt động.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lo ngại luật an ninh mới sẽ làm suy yếu chính sách "một quốc gia, hai chế độ", cam kết cho đặc khu Hong Kong mức độ tự trị cao. Trong khi Anh và Australia tuyên bố có thể mở cửa tiếp nhận cư dân Hong Kong.
Bắc Kinh ra tuyên bố đề nghị các nước ngừng can thiệp vấn đề Hong Kong và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nước này cho biết 52 quốc gia ủng hộ luật an ninh Hong Kong như Cuba, Pakistan, Myanmar, Ai Cập, Cameroon, Venezuela, Belarus.