Báo Ấn Độ: 'Hãy học theo Việt Nam'

Thứ sáu, 03/07/2020, 16:13
Nhật báo Ấn Độ khen ngợi Việt Nam biết cách tận dụng nguồn lực để kiểm soát thành công dịch Covid-19 và quản lý tốt nền kinh tế giữa khủng hoảng.

Nhật báo Times of India bình luận Việt Nam đã "xử lý tốt đại dịch Covid-19". “Quốc gia 97 triệu dân và có đường biên giới nhộn nhịp với Trung Quốc chỉ ghi nhận 335 ca nhiễm Covid-19 và không có trường hợp nào tử vong tính đến nay", tờ này viết.

Theo Times of India, với việc nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư khi các công ty đa quốc gia tìm cách điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, lệnh phong tỏa của Chính phủ cũng gây ít gián đoạn khi Việt Nam cho phép nhiều nhà máy và doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, Việt Nam đã là một điểm sáng về thị phần xuất khẩu tại châu Á suốt 5 năm qua, nhờ đó đạt mức tăng trưởng trên 7%.

"Hiện tượng Việt Nam"

Khi các nền kinh tế khác có nguy cơ suy yếu trong năm nay, ADB dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức 4,1%. Ngân hàng HSBC gọi Việt Nam là “Pho’nomenal Việt Nam”. Đây là một cách chơi chữ sử dụng món phở của Việt Nam để nhấn mạnh rằng đất nước đã trở thành "hiện tượng" nhờ kiểm soát dịch Covid-19 và quản lý nền kinh tế tốt ra sao.

Times of India cho rằng quản lý tốt là chìa khóa thành công của Việt Nam. Đất nước 97 triệu dân cũng có những lỗ hổng đáng kể và chẳng thể chiến thắng nhờ may mắn. "Bài học rút ra là đất nước đã hạn chế những yếu kém và tối đa hóa thế mạnh, tận dụng mọi thứ có trong tay", tờ báo viết.

Co hoi cua Viet Nam anh 1

Tờ báo Ấn Độ với tựa "Hãy làm như Việt Nam". Ảnh: Twitter.

Trong trận chiến với dịch Covid-19, cơ sở y tế của Việt Nam kém tiên tiến hơn nhiều nơi khác trong khu vực. Nếu số ca nhiễm Covid-19 chạm đến con số hàng trăm nghìn, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sẽ lao đao. Tỷ lệ 8 bác sĩ trên 10.000 người của Việt Nam cao hơn Ấn Độ nhưng không là gì so với 22 bác sĩ trên 10.000 người ở Brazil hay 26 bác sĩ trên 10.000 người tại Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam đã chuẩn bị và phòng ngừa kỹ càng để bù đắp sự thiếu hụt về nguồn lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “tuyên chiến” với dịch Covid-19 hồi tháng 1. “Việt Nam không giàu có như Hàn Quốc để tiến hành thử nghiệm hàng loạt. Thay vào đó, đất nước huy động quân đội và bộ máy giám sát rộng lớn của nhà nước để theo dõi chặt chẽ và truy vết các ca nhiễm Covid-19. Những trường hợp F1, F2 và F3 đều phải cách ly tập trung hoặc tại nhà. Mọi thứ được tổ chức rất tốt và nghiêm túc”, tờ Times of India viết.

Cơ hội kinh tế

Đối với nền kinh tế, Hà Nội đang tận dụng các gói kích thích sau đại dịch để giải quyết một số thiếu sót về cơ sở hạ tầng vốn đã hạn chế sự hội nhập của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những dự án lớn từ tuyến tàu điện đến đường cao tốc đang được đẩy nhanh tiến độ.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Việt Nam leo từ vị trí 64 lên 39 trong Bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu suất Hậu cần của Ngân hàng Thế giới. Chỉ số nhằm đo lường mức độ hiệu quả của các quốc gia trong việc vận chuyển hàng hóa qua và trong biên giới.

Co hoi cua Viet Nam anh 2

Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư khi các công ty đa quốc gia tìm cách điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhưng thành quả đáng chú ý nhất là Hiệp định Thương mại tự do ký với Liên minh châu Âu (EU) được phê chuẩn hồi tháng 6. Đây là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đầu tiên trên thế giới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải bận tâm. Chẳng hạn, theo chuyên gia kinh tế Trinh Nguyễn, FTA yêu cầu toàn bộ chuỗi cung ứng của hai thị trường phải đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế bằng 0. Đây là một thách thức đối với đất nước phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc về đầu vào như Việt Nam.

“Nhưng giờ là lúc Việt Nam từ bỏ lối chơi phòng thủ, chấp nhận đặt cược để vươn lên”, tờ nhật báo Ấn Độ bình luận.

Việt Nam đã bắt đầu hành động với việc xây dựng các liên minh và lập kế hoạch thay đổi trong dài hạn. Theo Nomura, trong số 56 công ty chuyển địa điểm khỏi Trung Quốc vào năm 2018-2019, khoảng 26 công ty đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan và chỉ 8 công ty đến Thái Lan và 3 đến Ấn Độ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích