Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc đưa tin đập Tam Hiệp hôm 2/7 chứng kiến sự xuất hiện "hồng thủy số 1 năm 2020", tức trận lũ đầu tiên trong năm trên sông Trường Giang. Trận lũ đến với tốc độ dòng chảy 50.000m3/giây và đỉnh lũ dự kiến đạt 53.000m3/ giây, Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cho biết.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc trước đó cùng ngày phát cảnh báo mưa lớn liên tiếp trên cả nước ngày thứ 31 liên tiếp, khiến nhiều người suy đoán về tình trạng đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang khi nó đối mặt thử thách lớn nhất từ khi hoàn thiện năm 2003. Quan chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định nỗi lo đập vỡ là "vô nghĩa", trong khi Xinhua cũng khẳng định đập Tam Hiệp giảm nhẹ lũ lụt ở Trường Giang, song khu vực này tiếp tục bị tàn phá bởi lũ lụt, lở đất và mới nhất là một trận động đất.
Trận động đất mạnh 3,2 độ ở độ sâu 8km xảy ra lúc hơn 4h ngày 2/7, làm rung chuyển huyện Nhược Nhĩ Cái, tỉnh Tứ Xuyên, theo Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc. Cường độ động đất không lớn nhưng độ sâu chỉ 8km, làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của đập Tam Hiệp.
Trưa cùng ngày, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang (CWRC) phát cảnh báo khẩn cấp rằng thượng nguồn sông Trường Giang sẽ chứng kiến "hồng thủy (lũ lụt) số 1 của năm 2020". Tính đến 7h ngày 2/7, dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đạt 47.000m3/giây và lên 50.000m3/giây vào 14h, tương đương mức được ghi nhận trong trận đại hồng thủy năm 1998.
Do mưa không ngừng, mực nước ở thượng nguồn sông Trường Giang, sông Ngô, khu vực Tam Hiệp và hệ thống nước hồ Động Đình sẽ "tăng đáng kể". Quan chức Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc (MWR) Vương Trương Lập hôm 1/7 cho biết kể từ tháng 6, 250 con sông trên khắp Trung Quốc đã chứng kiến lũ lụt trên mức cảnh báo, chủ yếu ở các khu vực Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và An Huy.
CWRC phát "cảnh báo màu xanh" cho sông Ngô Giang, Vùng hồ chứa Tam Hiệp và thượng nguồn sông Trường Giang. Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp xếp từ cao xuống thấp sẽ tương ứng các màu là đỏ, vàng cam, vàng và xanh dương.
Người dân theo dõi cảnh xả lũ đập Tam Môn Hạ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hôm 30/6. Ảnh: AP.
Theo quy định đánh số sông lớn của Trung Quốc, khi dòng chảy của hồ chứa Tam Hiệp đạt 50.000m3/giây và mực nước ở trạm Liên Hoa Đường tăng lên mức cảnh báo, lũ sẽ bắt đầu được đánh số.
Đập Tam Hiệp xả lũ lần đầu hôm 29/6 với tốc độ 34.700m3/giây. Trong khi đó, lũ lụt đã trở nên trầm trọng hơn ở nhiều khu vực hạ lưu. Sở Tài nguyên nước Chiết Giang cho biết 20 hồ chứa vừa và lớn ở tỉnh đã vượt mực kiểm soát lũ. Đến chiều 30/6, tổng trữ lượng của các hồ chứa lớn và vừa là 27,268 tỷ m3, tăng 3.804 tỷ m3 so với trước mùa mưa.
Tính đến cuối tháng 6, hơn 14 triệu người tại 26 tỉnh chịu ảnh hưởng do lũ lụt, theo Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc. Lũ lụt cũng khiến 78 người thiệt mạng, 97.000 ngôi nhà bị hư hại và thiệt hại kinh tế 25 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD).
Chen Tao, nhà dự báo thời tiết tại CMA, cho biết dù một số khu vực bị ảnh hưởng thường chịu thiệt hại do mưa lũ hàng năm, lượng mưa tích lũy trong năm nay cao gần 2-3 lần mức thông thường.
Bản đồ dự báo lượng mưa ở Trung Quốc từ ngày 4/7 đến 6/7. Đồ họa: CMA.