Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn Quản lý Vật liệu nổ Công cụ hỗ trợ và pháo, Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hôi (Bộ Công an) cho biết, quy định trên của Nghị định 137/2020 thay thế Nghị định 36/2009 hiện hành.
Theo ông Hùng, sau hơn 10 năm có hiệu lực, Nghị định 36/2009 quy định về quản lý, sử dụng pháo đã bộc lộ một số hạn chế và không phù hợp với điều kiện quản lý hiện nay, như chưa nêu rõ các trường hợp thế nào là pháo hoa (không nổ), pháo hoa nổ.
Trong khi đó những năm qua các loại pháo hoa phát ra tiếng nổ từng gây ra nhiều tai nạn chết người và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đơn cử như vụ nổ container pháo hoa nổ ở Mỹ Đình năm 2010, vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa nổ ở Phú Thọ năm 2013. Dịp Tết năm 2019 - 2020 tình trạng đốt pháo hoa nổ tăng đột biến khiến 200 người gặp nạn.
Bên cạnh tình trạng sử dụng pháo hoa nổ trái phép, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã mua bán trái phép pháo hoa (không nổ), nhưng việc xử lý gặp khó khăn vì chưa rõ khái niệm. Trước thực tế đó, Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định 137/2020, tách riêng khái niệm về pháo hoa gồm pháo hoa và pháo hoa nổ. "Đây chính là điểm mới đáng chú ý của Nghị định này", Đại tá Vũ Minh Hùng nói.
Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn Quản lý Vật liệu nổ Công cụ hỗ trợ và pháo. Ảnh: Bá Đô
Về việc phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ, đại diện Bộ Công an giải thích, "pháo hoa khi đốt tạo ra ánh sáng, màu sắc, âm thanh chỉ xì xẹt mà không phát ra tiếng nổ". Đơn cử như cây pháo dài một gang tay, nhỏ bằng ngón tay cái mà người dân thường dùng đốt, cắm trên bánh sinh nhật, hoặc loại tròn to bằng cổ tay và dài vài chục cm hay đốt trong đám cưới, tân gia hoặc lễ động thổ khai trương.
Còn pháo hoa nổ là loại pháo tạo ra tiếng rít và tiếng nổ, tạo hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại này thường được sử dụng ở các dịp lễ Tết, hay trong cuộc thi bắn pháo hoa nổ được cấp phép.
"Các loại quả pháo hoa nổ có thể tầm thấp, tầm cao; nếu quả pháo đường kính không vượt quá 90mm và tầm bắn không vượt quá 120m thì tầm thấp; còn loại tầm cao đường kính trên 90mm, tầm bắn trên 120m", ông Hùng nói.
Loại pháo hoa dùng để đốt trong sinh nhật, cắm vào bánh hiện nay. Ảnh: Bá Đô
Theo đại diện Bộ Công an, từ 10/1/2011, người từ 18 tuổi trở lên được đốt các loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ trong sinh nhật hoặc lễ Tết, đám cưới, khai trương. Thực chất các loại pháo hoa này đã được sử dụng công khai nhiều năm qua dù bất hợp pháp, do chưa có chế tài cụ thể nên cơ quan chức năng không xử lý được.
Quy định mới nêu rõ người dân phải mua pháo hoa ở các cửa hàng của quân đội, nơi được phép mua bán loại pháo hoa này. Còn mua ở các hiệu tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng luật.
"Không phải bất cứ lúc nào người dân cũng có thể mua pháo hoa không nổ để đốt, càng không được đốt lung tung ở ngoài đường, chỗ đông người", Đại tá Vũ Minh Hùng nói và cho hay, người nào cố tình đốt pháo hoa không đúng dịp (ví dụ không đúng dịp sinh nhật, không đúng dịp lễ Tết...) sẽ bị xử phạt như đốt pháo hoa nổ trái phép.
"Việc đưa ra các quy định nêu trên là để cơ quan chức năng quản lý tốt hơn, chứ không phải khuyến khích người dân đốt pháo hoa trong các dịp lễ Tết", ông Hùng nói thêm.
Loại pháo hoa nổ để trong hộp vuông gồm 36 quả nhập lập từ Trung Quốc. Ảnh: Phương Sơn
Với loại pháo hoa nổ, Chính phủ cấm hoàn toàn, nghĩa là người dân không được mua bán, sử dụng. Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước. Việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách; các cơ quan, tổ chức khác ngoài quân đội không được bắn pháo hoa nổ, trừ các trường hợp Thủ tướng quy định phục vụ cuộc thi bắn pháo hoa.
Theo quy định, trường hợp vận chuyển, mua bán, sử dụng từ 6kg pháo trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Người dân, tổ chức sử dụng các loại pháo hoa nổ trái phép sẽ bị xử phạt từ đến 2 triệu đồng; trường hợp mua bán, sản xuất trái phép loại pháo hoa này sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. |