Cũng với nạn lừa đảo này, một “vị“ sư giả người Trung Quốc đã bị bắt.
Sau gần 1 tháng mua tượng phật, khi đi chợ Vĩnh Long thì chị Nguyễn Thị Bạch N. (Tam Bình) mới biết mình bị lừa mất 500 ngàn đồng.
Chị N. tức giận kể lại sự việc:
Hôm đó vào buổi trưa, chị N. đang xem tivi tại nhà thì có một thanh niên dừng xe ở ngoài cổng. Anh ta độ ngoài 40 tuổi, mặc áo bà ba màu xám, tóc hớt ngắn, ăn nói nho nhã như các vị tu hành, xách chiếc giỏ bên trong là một tượng phật bằng cây, được sơn màu nâu bóng, bước vào nhà.
Chị N. chưa kịp hỏi, anh ta chắp tay lên ngực nói: “Nam mô a di đà phật. Tôi là người của nhà chùa, hôm nay có dịp ngang qua đây thấy gia chủ có căn tu nên ghé tặng tượng phật để thờ. Tượng phật này chỉ tặng người có duyên với phật, mua cũng không bán…”
Thấy người tu hành, chị N. cũng kính cẩn mời vào nhà rót trà mời khách. Không đợi chị N. đồng ý, anh ta lấy tượng phật đem đặt lên đầu tủ thờ rồi quay lại nói với chị N.: “Tượng phật thờ ở nhà thí chủ rất hợp. Tượng phật có duyên với thí chủ lắm. Tượng phật này được thỉnh ở trên núi, được các thiền sư ẩn cư tu luyện nhiều năm tạc thành nên rất linh thiêng và đem lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình…”
Chị N. nghĩ “nhà sư” tặng tượng phật nên không nhắc gì tiền bạc. Nhưng “nhà sư” cứ nói chuyện xa gần về đường đi đến An Giang tốn nhiều công sức, tiền xe cộ.
Ngồi nói chuyện gần 15 phút, “nhà sư” nhỏ nhẹ nói với chị N.: “Thí chủ cho xin tiền đi thỉnh tượng phật”. Chị N. hơi bất ngờ, vì trước đó “nhà sư” nói tặng tượng phật chớ không lấy tiền.
Song, nghe anh ta “giảng đạo” cũng bùi tai, tượng phật cũng đã yên vị trên đầu tủ rồi nên chấp nhận đưa tiền. Nhà không sẵn tiền nên chị N. chạy sang nhà hàng xóm mượn 300 ngàn đồng về đưa cho “nhà sư”. Trong khi đó, “nhà sư” cứ kèo nài xin thêm vì “bao nhiêu đó không đủ lộ phí đi thỉnh tượng phật”.
Chị N. đành vào nhà “mổ” con heo đất lấy 200 ngàn đồng tiền gia đình dành dụm đưa thêm cho “nhà sư”.
Cách đây gần một tháng, chị N. đi chợ Vĩnh Long. Khi ghé vào cửa hàng bán đồ điêu khắc gỗ, bất ngờ chị gặp lại “nhà sư” hôm trước và “nhà sư” cũng đang mua tượng phật. Chị N. hỏi: “Ủa, trước đây anh nói thỉnh tượng phật ở An Giang, sao giờ mua ở đây…”. Anh ta biết bị lộ “thân phận” nên không trả lời mà cúi mặt ra xe rồ máy chạy mất.
Chủ tiệm cửa hàng cho biết: Anh ta thường tới đây mua tượng phật cây, giá từ 150– 300 ngàn đồng, tùy loại lớn nhỏ. Đến đây, chị N. mới biết anh ta giả nhà sư để bán tượng phật lấy lời. Chị N. còn cho biết, ở xóm có gần chục hộ cũng tin lời anh ta mua tượng phật về thờ.
Thời gian qua, bọn lừa đảo dùng mọi thủ đoạn giả danh các tổ chức xã hội, người tu hành len lỏi vào tận vùng nông thôn, lợi dụng lòng tin, nhẹ dạ của bà con để vận động tiền, bán đồ không rõ nguồn gốc, hàng dỏm… để trục lợi. Bà con gặp trường hợp tương tự cần cảnh giác hay báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc công an để kịp thời xử lý.